TIẾP CẬN MỘTCÁCH SÁNG TẠO TRONG LỒNG GHÉP LỐI SỐNG SINH THÁI VÀO CHƯƠNG TRÌNH CHO SINH VIÊN

Tập huấn Lồng ghép cách tiếp cận sáng tạo trong giáo dục lối sống sinh thái vào chương trình cho sinh viên dành cho các giảng viên trẻ có quan tâm và mong muốn được lồng ghép vào giảng dạy và hoạt động tại các trường đại học

Lối sống sinh thái đang là một trong những mục tiêu mà chúng ta hướng tới. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần cùng nhau hành động, xây dựng một lối sống sinh thái thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cuộc sống đặc biêt là sinh viên của các trường đại học bởi trong tương lai họ là những công dân, người sản xuất, nhà ra quyết đinh. Phong cách sống của họ sẽ quyết định các mô hình sản xuất và tiêu dùng trong tương lai cũng như quyết định sự chuyển hóa sang một xã hội sinh thái bền vững.

Ngày 18/9/2018,Khóa đào tạo Lồng ghép cách tiếp cận sáng tạo vào chương trình giáo dục cho sinh viên đã chính thức khai mạc. Là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Nhân rộng và lồng ghép phương pháp tiếp cận sáng tạo của phong trào sinh thái vào hoạt động của các trường đại học được tổ chức bởi Trung tâm Phát triển Sáng kiến ​​Cộng đồng và Môi trường (Trung tâm C&E) với sự hỗ trợ của Rosa Luxemburg Stiftung – Đông Nam Á.

Khóa tập huấn được diễn ra trong 4 ngày từ 18-21/9/2018 do Bà Bùi Thị Thanh Thủy_Phó giám đốc trung tâm C&E điều phối chung, với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, giáo dục như ông Trần Đức Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Giáo dục Phát triển Bền vững IRESD), ông Phạm Quốc Lộc (Tiến sĩ Văn Học So Sánh – Cetac academic giáo dục), ông Nguyễn Đức Tùng (Viện phó viện môi trường và phát triển bền vững), bà Nguyễn Thùy Linh (Giám đốc trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng CECEM).Đây là lần thứ hai được tổ chức, tiếp nối chương trình Tập huấn lối sông sinh thái 2017 được thực hiện lần đầu tiên bởi Trung tâm phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E).

Trong 4 ngày tập huấn với sự tham gia của 35 giảng viên đến từ hơn 25 trường đại học thuộc các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Quảng Nam, Quy Nhơn, Hồ Chí Minh, Kiên Giang. Các nhóm giáo viên, giảng viên và nhà giáo dục đã làm việc cùng nhau, trao đổi và phát triển các phương pháp tiếp cận hiệu quả, sáng tạo cũng như kế hoạch lồng ghép lối sống sinh thái vào chương trình giáo dục. Sau đó, họ được khuyến khích không chỉ để thực hiện các hoạt động hội nhập cá nhân mà còn làm việc cùng nhau trong việc thực hiện giáo dục lối sống sinh thái bằng cách sử dụng bộ công cụ với các chủ đề rất gần gủi như là: “Sống không rác”, “Làm vườn khó hay dễ”, “Du lịch có trách nhiệm”, “Sử dụng nguồn nước hợp lý”, “Mua sắm – Đủ hay không đủ, không đủ hay đủ”, “Tiêu dùng thực phẩm bền vững”.

Bên cạnh bài giảng về “Giáo dục khai phóng” của TS Phạm Quốc Lộc và “Kỹ năng sư phạm” của ông Trần Đức Tuấn, với mục tiêu tăng cường năng lực cho học viên lý thuyết đi đôi với thực hành, trong khóa tập huấn các học viên đã được tiếp cận các phương pháp “Học qua trải nghiệm” do bà Nguyễn Thùy Linh chai sẻ, các học viên đã được tham gia tiết học ngoài thực địa tại An Nhiên Farm và Tân Bamboo. Các học viên được biết và quan sát thực tế về hệ sinh thái bền vững, học về làm phân hữu cơ, cách tái chế xà phòng, làm các sản phẩm từ tre để học viên tiếp cận với lối sống không rác, “làm vườn dễ hay khó!”“Mua sắm – Đủ hay không đủ, không đủ hay đủ”.


Ngày cuối cùng trong khóa tập huấn các học viên đã được xây dựng được cách lồng ghép lối sống sinh thái vào trong giảng dạy cho sinh viên. Các nhóm học viên ở các khu vực đã xây dựng được bản kế hoạch hành động cho tuần lễ sinh thái của trường mình. Khóa tập huấn đã giúp cho các giảng viên có thêm những phương pháp lồng ghép lối sống sinh thái sáng tạo vào trong giáo dục cho sinh viên.

Kết thúc Khóa tập huấn, thầy Trần Đức Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Giáo dục Phát triển Bền vững IRESD đã Tuyên bố thành lập “Mạng lưới hành động vì sự phát triển bền vững sinh thái và xã hội” nhằm mục đích tăng cường kết nối và phát triển các mối quan hệ hợp tác cùng nhau hành động vì mục tiêu chuyển hoá bền vững của các cơ sở giáo dục (đại học, phổ thông, giáo dục cộng đồng) ở Việt Nam.

Lê Thảo