Tập huấn phát triển một số mô hình sử dụng rừng thân thiện với môi trường cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Nam

Hiện nay diện tích rừng tự nhiên giao cho cộng đồng được quản lý bảo vệ tốt và đang trở thành một trong những hướng đi chính của công tác quản lý bảo vệ rừng ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Tuy nhiên có một vấn đề đặt ra là mặc dù rừng được quản lý bảo vệ tốt nhưng đời sống của người dân mà sinh kế của họ gắn liền với rừng vẫn chưa được cải thiện nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là người dân còn thiếu kiến thức kỹ năng trong việc áp dụng các mô hình sử dụng rừng thân thiện với môi trường vào cuộc sống để nâng cao thu nhập cải thiện đời sống mà vẫn quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả.

 

Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, năm 2013 Trung tâm C&E đã phối hợp cùng Chi cục kiểm lâm Quảng Nam tiếp tục tổ chức 4 lớp tập huấn tại 4 thôn: 2 thôn Xà Nghìn I và Xà Nghìn II,  xã Za Hung và 2 thôn AReh và ĐhRồng xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong các hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Quản lý bền vững rừng tự nhiên thông qua nâng cao nhận thức và năng lực để cải thiện việc sử dụng quyền và địa vị pháp lý của người dân tộc thiểu số đối với rừng tự nhiên ở miền trung Việt Nam giai đoạn 2012-2014” do trung tâm C&E phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam và Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện với sự hỗ trợ tài chính từ Rosa Luxemburg Stiftung (RLS).

 

Đã có 150 người tại 2 xã được tham gia tập huấn. Học viên là người dân của 4 thôn và các lực lượng nòng cốt trong Ban quản trị thôn hay những người có uy tín(già làng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Công an viên, Phụ nữ, Đoàn thanh niên…) cùng các đại biểu đến từ chính quyền và các đoàn thể của 2 xã. Giảng viên là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và có kỹ năng thực hiện các hoạt động tập huấn, đào tạo cho người dân về  hoạt động Nhóm/Câu lạc bộ, các phương pháp canh tác sử dụng đất bền vững, canh tác truyền thống của người dân địa phương cũng như phát phát các loài cây con phù hợp với địa phương.   . Hơn nữa, để giúp người học là đồng bào dân tộc thiểu số dễ nhận biết và dễ nhớ các giảng viên đã sử dụng kết hợp các phương pháp khác nhau như hình ảnh, phim ngắn, trao đổi, chia sẻ thảo luận, liên hệ thực tiễn, bài tập nhóm.

Các lớp tập huấn này đã đạt được mục tiêu mong đợi về nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho cộng đồng dân tộc thiểu số trong phát triển các mô hình sử dụng rừng thân thiện với môi trường. Các nội dung tập huấn đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hiểu biết của người dân, chuyển đổi từ “không biết” đến “biết”, từ “biết ít” đến “biết nhiều” về phát triển mô hình sinh kế dựa vào rừng thân thiện với môi trường. Hầu hết học viên nắm được các nội dung và phương pháp mà lớp tập huấn đưa ra đồng thời đánh giá được những khó khăn mà họ đã gặp phải trong quá trình sản xuất phát triển kinh tế. Các học viên trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kiến thức bản địa, thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều cách giải quyết hay, phù hợp với thực tiễn sản xuất của các địa phương.

Qua đợt tập huấn cho thấy người dân luôn có mong muốn tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình qua khai thác, sử dụng và quản lý bền vững rừng tự nhiên nhưng do còn hạn chế trong việctiếp cận các nguồn lực về thông tin, khoa học kỹ thuật, nguồn vốn,….  nên hiệu quả không cao. Vì vậy những lớp tập huấn như thế này là một trong các cơ hội rất tốt giúp họ nâng cao kiến thức bản thân và tìm được những mô hình canh tác hợp lý với những loài cây, con có thế mạnh và phù hợp với địa phương để cùng nhau phát triển kinh tế và bảo vệ rừng một cách bền vững lâu dài.

Một số hình ảnh của các lớp tập huấn 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *