Người dân bản địa với biến đổi khí hậu

Thách thức nảy sinh


Những người dân bản địa là một trong những nhóm đầu tiên phải đối mặt với hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu. Họ là những người sống phụ thuộc và có quan hệ gắn kết chặt chẽ với môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.Biến đổi khí hậu góp phần làm trầm trọng thêm những khó khăn vốn sẵn mà các cộng đồng gặp phải như sự lạc hậu về kinh tế, chính trị, mất đất và tài nguyên, sự phân biệt đối xử và tình trạng thất nghiệp.

Có thể nhận thấy điều này đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Những người bản địa ở Sa mạc Kalahari của Châu Phi đang bị buộc phải sống xung quanh các giếng khoan của Chính phủ và phụ thuộc vào nguồn trợ cấp của chính phủ để tồn tại. Nguyên nhân là do nhiệt độ tăng cao, các cồn cát mở rộng và gió lớn đã làm hại hoa màu, nghề chăn nuôi gia súc truyền thống của họ.

Ở vùng đất cao thuộc dãy Himalaya, các sông băng tan chảy đã ảnh hưởng đến hàng triệu người dân sống ở nông thôn. Họ canh tác và sinh hoạt phụ thuộc vào dòng chảy theo mùa của các con sông. Nhưng do biến đổi khí hậu, các dòng sồng băng tan chảy làm cho lưu lượng nước tăng lên rất nhanh trong một thời gian ngắn, còn về lâu dài, lượng nước sẽ bị giảm do các dòng sông bị thu hẹp lại.

Trong khi đó, ở khu vực Amazon, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thể hiện rõ nhất thông qua sự mất rừng, giải phóng nhiều khí cacbon vào không khí, và làm cho sự biến đổi khí hậu thêm trầm trọng. Trận hạn hán năm 2005 gây ra những đám cháy lớn ở khu vực phía Tây Amazon. Kết quả là những khu rừng nhiệt đới rậm rạp được thay thế bởi những đồng cỏ savan. Và điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của những người dân bản địa sống ở vùng này.

Cuộc sống của những người dân sống ở khu vực Bắc cực phụ thuộc vào việc săn bắt các loài gấu Bắc cực, hải mã, hải cẩu, tuần lộc và cá. Chúng không chỉ được dùng làm lương thực mà còn đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế và những đặc trưng văn hóa xã hội địa phương. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, những người dân bản địa ở vùng này đang gặp phải một số vấn đề như: sự thay đổi về loài, khả năng cung cấp lương thực, sự biến đổi trong dự báo thời tiết, sự mất an toàn khi đi lại trong điều kiện thời tiết và băng luôn biến động cùng những thách thức đố với sức khỏe con người và an ninh lương thực. 

Hay một câu chuyện khác đang diễn ra ở Nauy, Thụy Điển, Phần Lan, mưa và thời tiết ôn hòa trong suốt mùa đông làm cho địa y – nguồn lương thực của các đàn tuần lộc không thể phát triển được. Đó là nguyên nhân làm cho một số lượng lớn tuần lộc ở khu vực này bị mất đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa và kinh tế của cộng đồng người Saami. Để đối phó với vấn đề thiếu thức ăn, người ta phải cho tuần lộc ăn cỏ khô, nhưng về lâu dài giải pháp này là không phù hợp.


… và thích nghi


Một nghịch lý đang diễn ra, biến đổi khí hậu hiện đang đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của các cộng đồng người bản địa trên toàn thế giới, trong khi họ lại là những người đóng góp ít nhất vào việc phát thải khí nhà kính.

Thực tế cho thấy, hoạt động sống của những người dân bản địa phụ thuộc rất lớn vào các hệ sinh thái trên lãnh thổ của họ. Nhưng cũng nhờ những hoạt động đó, những người dân bản địa làm cho các hệ sinh thái có độ đàn hồi tốt hớn với những biến động về môi trường và xã hội.

Thêm vào đó, những người dân bản địa hiểu rõ và cũng tác động trở lại đối với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu theo những cách sáng tạo riêng, dựa trên những kiến thức cổ truyền và các kỹ thuật khác để tìm ra giải pháp để có thể đương đầu với những thảm họa sắp xảy ra. Chẳng hạn như ở Bangladesh, người dân tạo ra các khu vườn rau nổi để bảo vệ sinh kế của họ trong những thời kỳ lũ lụt. Còn ở các nước nhiệt đới có đường bờ biển, trong đó có Việt Nam, người dân trồng rừng ngập mặn ven biển để hạn chế tác động của những cơn bão nhiệt đới.

 
Những thổ dân ở miền Trung và Nam Mỹ và khu vực Caribbean thì chuyển chỗ ở và nơi canh tác đến những vùng đất mới ít nhạy cảm hơn để đối phó với biến đổi khí hậu. Ví du như thổ dân ở Guyana đã di cư từ các thảo nguyển khô hạn đến các khu rừng để tránh hạn. Họ đã bắt đầu trồng sắn – loại cây trồng lương thực chính của cộng đồng này trên lớp đất ẩm ướt  vốn không thích hợp cho loại cây truyền thống của họ.

Còn ở Bắc Mỹ, một vài nhóm người bản địa đang cố gắng để đương đầu với biến đổi khí hậu bằng cách tập trung vào những cơ hội kinh tế mà biến đổi khí hậu có thể mang lại. Ví dụ như việc tăng nhu cầu năng lượng tái tạo thông qua năng lượng gió và năng lượng mặt trời làm cho các vùng đất trồng của các bộ lạc trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng để tạo ra nguồn năng lượng mới thay thế cho nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và hạn chế phát thải khí nhà kính.
 
Vùng Đồng bằng Lớn ở Bắc Mỹ – lãnh thổ của những người da đỏ, có thể cung cấp một nguồn năng lượng gió vô tận và việc phát triển nguồn năng lượng này có thể giảm phát thải khí nhà kính cũng như làm giảm nhẹ những vấn đề tiêu cực của nhà máy thủy điện trên sông Missouri, duy trì mực nước đảm bảo cho phát điện cũng như các hoạt động của ngành giao thông thủy và vui chơi giải trí.


Những rào cản


Pháp luật và thủ tục hành chính bị coi là những yếu tố gây nhiều cản trở đối với khả năng đối phó với biến đổi khí hậu của các cộng đồng bản địa. 

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng những nỗ lực tăng cường và hỗ trợ khả năng thích nghi của người dân địa phương sẽ chỉ thành công nếu kết hợp với những chiến lược khác một cách hợp lý như kế hoạch phòng chống thiên tai, quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ môi trường và kế hoạch quốc gia về phát triển bền vững.

Trong nhiều trường hợp, việc thích nghi với hoàn cảnh mới đòi hỏi phải bổ sung nguồn tài chính và chuyển giao năng lực kỹ thuật nhưng hầu hết các cộng đồng bản địa đều không có. Hoặc ở một số nơi, người ta có thể áp dụng những biện pháp thích nghi tạm thời nhưng lại gặp những khó khăn trong việc thực hiện các chiến lược thích nghi dài hạn do hạn chế về tài nguyên và năng lực.
 
Một số phương thức mới được áp dụng để nhằm đối phó với biến đổi khí hậu thậm chí lại gây ra những hậu quả không mong muốn. Chẳng hạn như các sáng kiến năng lượng sinh học là một cách để giảm phát thải khí nhà kính nhưng sẽ lại dẫn tới sự phát triển ồ ạt các đồn điền độc canh, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và an ninh lương thực.

Trong các chính sách phát triển của Chính phủ cần phải có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt những nhóm người dễ bị tổn thương để chắc chắn rằng những phương thức, chính sách mới không gây ra tác động tiêu cực đến họ.

Không dễ dàng gì khi người dân bản địa lựa chọn hay bị buộc phải di cư khỏi quê quán của họ. Đôi khi họ trở thành người nhập cư bất hợp pháp và gây ra những tác động không mong muốn lên địa phương nơi đến, ví như tình trạng phá rừng, đặc biệt đang diễn ra ở các nước đang phát triển.

 

Theo thiennhien.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *