Đánh giá nhu cầu đào tạo về phương thức quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại Thừa Thiên Huế & Quảng Nam: Tiếp cận dựa trên quyền

Mục tiêu của đợt khảo sát là “Điều tra đánh giá năng lực và nhu cầu về quản lý rừng cộng đồng của cộng đồng và chính quyền địa phương” nhằm thiết kế giáo trình tập huấn phù hợp với nhu cầu và năng lực của địa phương.

 

Nhóm khảo sát đã tiến hành 304 phỏng vấn bảng hỏi với 304 người ở 7 xã nêu trên, trong đó đại đa số là người dân tộc: Kơ Tu, Vân Kiều, Pa hy (tổng cộng 70%)… Đa số họ thuộc hộ nghèo (49%) hoặc trung bình (49%) sống dựa vào nông nghiệp và rừng.  Đa số người được hỏi có trình độ học vấn cấp 1 hoặc 2. Có sự khác biệt giữa nhóm người được hỏi ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế khi mà tỉ lệ người được hỏi là người dân tộc ở Quảng Nam cao hơn so với Thừa Thiên Huế – 98% so với 45%.

 Nhóm mẫu khảo sát nêu đề cao giá trị của rừng với cuộc sống hiện tại của họ: giữ nước, giữ đất, cung cấp thức ăn chất đốt. Họ cũng nhận thức được vai trò của mình không chỉ là người khai thác mà còn là người bảo vệ rừng. Đại đa số đã từng tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng ở các mức độ khác nhau – tỉ lệ ở xã thấp nhất cũng là 65%.

 Về nội dung tập huấn có 09/14 nội dung được người dân cả 2 tỉnh lựa chọn, với số phiếu bình chọn ít nhất là trên 30%. Đó là các nội dung: Khái niệm về Quản lý rừng cộng đồng: cách tiếp cận dựa trên quyền; các quyền của người dân trong quản lý, sử dụng đất và rừng đã giao cho các hộ gia đình và cộng đồng quản lý; Các Luật, qui định, và luật tục truyền thống về quản lý đất và rừng, Kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ/nhóm quản lý rừng cộng đồng và kỹ năng làm việc nhóm; Xây dựng và thực hiện hương ước bảo vệ và phát triển rừng, Phương pháp tạo giống, trồng và chăm sóc một số loài cây gỗ có giá trị kinh tế cao; Phương pháp trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản lâm sản ngoài gỗ; Phương pháp gây nuôi một số loài động vật rừng. Ngoài ra nội dung: Huy động nguồn lực và cơ chế chia sẻ lợi ích từ quản lý đất và rừng và Làm giàu rừng tự nhiên thông qua các sinh kế bền vững còn được người dân tại TT – Huế lựa chọn với số phiếu trên 40%. Về khả năng tiếng Việt giữa nhóm được khảo sát ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam thì có 71% người được hỏi ở Thừa Thiên Huế cho là mình thành thạo tiếng Việt, trong khi con số tương ứng ở Quảng Nam là 37%.

Những dữ liệu thu được ở trong đợt khảo sát này sẽ được sử dụng trong giai đoạn 2 của dự án – thiết kế những khóa tập huấn phù hợp với khả năng và nhu cầu của cộng đồng địa phương; thông quá đó trao quyền thêm cho các cộng đồng thiểu số địa phương  trong việc khai thác và bảo vệ rừng một cách hiệu quả và bền vững.

Hoàng Thanh Tâm – C&E

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *