XÂY DỰNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ RỪNG DỰA VÀO CỘNG ĐỘNG TẠI THỪA THIÊN HUẾ & QUẢNG NAM – GIAI ĐOẠN 2012 – 2014

Quản lý bền vững rừng tự nhiên thông qua nâng cao nhận thức và năng lực để cải thiện việc sử dụng quyền và địa vị pháp lý của người dân tộc thiểu số đối với rừng tự nhiên tại miền Trung Việt Nam (2012-2014)

 

Theo số liệu thống kê năm 2010, Việt Nam có tổng diện tích rừng là 13.38 triệu hécta, trong đó đã giao khoảng 11 triệu hécta cho các chủ rừng gồm các tổ chức nhà nước, các công ty tư nhân, cộng đồng dân cư thôn và các hộ gia đình (Bộ NN&PTNT, 2011). Những năm gần đây, thực hiện chính sách của Nhà nước về quản lý rừng, một số địa phương đã triển khai giao đất giao rừng cho cộng đồng quản lý và sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

 

Tuy nhiên, quá trình thể chế hóa và thực hiện những chính sách vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập về nhiều mặt khi tiếp cận tới quyền. Địa vị pháp lý của cộng đồng chưa rõ ràng. Các quyền lợi và trách nhiệm pháp lý của cộng đồng như một chủ rừng thực sự vẫn chưa được Nhà nước thừa nhận. Hệ thống chính sách về quyền của người dân để tiếp cận, quản lý và sử dụng rừng tự nhiên và đất rừng chẳng hạn như quyền được tiếp cận các dịch vụ công, tín dụng, đầu tư và các lợi ích từ rừng, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng như khả năng hiểu được hệ thống chính sách, kế hoạch và định hướng phát triển sinh kế từ rừng và tiếp cận thị trường vẫn còn khác biệt với thực tiễn nên những chính sách này còn chưa thực sự đi vào cuộc sống.

 

Điều này là vì hai lý do. Thứ nhất, sinh kế truyền thống của người dân bản địa như đốt nương làm rẫy và thu hái các lâm sản thì bị coi là phá rừng và bị pháp luật cấm. Thứ hai, do thiếu hiểu biết hoặc chưa hiểu về các thủ tục pháp lý liên quan đến quản lý đất rừng mà làm suy giảm địa vị pháp lý của họ đối với đất rừng. Người dân thường quản lý đất rừng của họ theo luật tục truyền thống mặc dù không được công nhận của pháp luật (Luật pháp chỉ công nhận những khu đất được giao có sổ cấp bởi chính quyền). Các yếu tố này phần nào làm cho các chủ sở hữu là cộng đồng dân tộc thiểu số ở vào hoàn cảnh không thuận lợi đối với đất rừng mà họ đã sử dụng qua nhiều thế hệ. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý và hoạch định chính sách cần phải thiết kế và thực thi các chính sách sao cho phù hợp với từng vùng từng địa phương và đảm bảo đầy đủ các quyền của cộng đồng khi họ tham gia quản lý rừng tự nhiên.

 

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) đã đề xuất dự án trong 3 năm từ 2012-2014 tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam với hỗ trợ và hợp tác từ Viện Rosa Luxemburg Stiftung (RLS). C&E mong rằng dự án sẽ giúp cân bằng các lợi ích môi trường trong khi vẫn duy trì cuộc sống và văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền trung Việt Nam.

 

Trong năm đầu tiên của dự án 2012 về quản lý bền vững rừng tự nhiên, C&E và các đối tác địa phương sẽ tìm hiểu hoàn cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa hiện tại của các cộng đồng dân tộc thiểu số địa phương sống dựa vào rừng trong tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Dựa trên các kết quả nghiên cứu, C&E sẽ thiết kế và tiến hành các khóa tập huấn nâng cao nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi đối với rừng cũng như phát triển việc lập kế hoạch có sự tham gia, các nhóm làm việc và các mô hình sử dụng rừng thân thiện với môi trường. C&E sẽ sử dụng các kết quả đó làm đầu vào cho hội thảo cấp tỉnh và các tài liệu tuyên truyền vận động để áp dụng rộng rãi mô hình này.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *