Việt Nam còn bao nhiêu con tê giác?

Từ một phát hiện bất ngờ…

Theo những tài liệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp để lại, vào những năm đầu thế kỷ XX nhiều người vẫn còn nhìn thấy tê giác một sừng ở những vùng đất thuộc Tây Nam nước ta. Ỏû Tây Bắc, tê giác được nhìn thấy lần cuối cùng vào năm 1964 và loài thú này xem như đã tuyệt chủng ở phía Bắc kể từ thời điểm đó. Và cũng từ đó người ta bắt đầu lo sợ tê giác một sừng nhỏ đã tuyệt chủng ở Việt Nam cũng như trên lục địa châu Á. Trong một cuốn sách về tê giác vào năm 1969, Van Peenen lo lắng: “Có lẽ hiện không một con tê giác nào còn sống ở Việt Nam, mặc dầu chỉ mới vào khoảng những năm 1920 người ta còn săn được tê giác không xa Sài Gòn là bao”.

Vào năm 1987, Điểu K’Trang (Cát Tiên, Lâm Đồng) đã hạ sát một con tê giác cái gần sông Đồng Nai. Con tê giác này được các nhà khoa học xác định là tê giác nhỏ một sừng, một loài phụ của tê giác Java còn khoảng 60 cá thể và một quần thể phân bố ở Vườn Quốc gia Ujung Kulon (Indonesia). Sự việc này đã làm sống lại mối quan tâm của cộng đồng và các nhà bảo tồn nước ta cũng như thế giới đối với những con tê giác một sừng ở Việt Nam vì đó là loài thú lớn đang có nguy cơ bị tiêu diệt cao nhất trên thế giới.

Còn bao nhiêu tê giác?

Để bảo vệ loài thú này, năm 1996 nước ta đã thiết lập Khu bảo tồn tê giác Cát Lộc (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) với diện tích khoảng 35.000ha. Đến tháng 12-1998, Khu bảo tồn tê giác Cát Lộc được sát nhập vào Vườn Quốc gia Cát Tiên (QGCT). Sau khi tiếp quản khu Cát Lộc, Vườn QGCT đã lập 5 trạm kiểm lâm ở Phước Sơn, Bến Cầu, Gia Viễn, Tiên Hoàng, Bù Sa và thành lập Đội giám sát tê giác (RMU) để bảo vệ, kiểm tra số lượng và diễn biến quần thể tê giác. Mặc dù Vườn QGCT đã làm nhiều biện pháp nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy dấu vết của tê giác con. Điều này gây lo lắng cho giới khoa học.

Trong mấy năm qua, không có một báo cáo nào cho thấy tê giác xuất hiện ở Bình Phước hay Đồng Nai,  còn ở Lâm Đồng thật ra người ta cũng không biết chính xác còn bao nhiêu cá thể. Trước đây, dựa vào nghiên cứu dấu chân, có nhà khoa học cho rằng tê giác Việt Nam còn khoảng từ  5 – 10 cá thể nhưng theo thạc sĩ Phạm Hữu Khánh (Phó Giám đốc Vườn QGCT) thì số lượng hiện chỉ còn khoảng 3 – 5 cá thể. Trong khi đó, xét nghiệm từ mẫu phân Vườn QGCT gửi sang các nhà khoa học thuộc trường Đại học Colombia (Mỹ) cho rằng khu Cát Lộc còn khoảng 7 – 8 cá thể tê giác. Đặc biệt, chúng ta cũng không hề biết trong số đó có bao nhiêu cá thể đực, bao nhiêu cá thể cái?

Cùng với sự giảm sút về số lượng thì phạm vi phân bố tê giác ngày càng bị thu hẹp và đời sống của tê giác ngày càng bị đe dọa bởi những tác động của con người, nhất là sự phát triển của dân cư trong vùng lõi Khu bảo tồn tê giác Cát Lộc.

Trong khu Cát Lộc hiện còn khoảng 60 hộ dân của hai thôn 3 và 4 (xã Phước Cát 2) là dân tộc bản địa sinh sống. Đời sống đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn và tập quán phụ thuộc vào rừng khiến họ phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản, bẫy chim, bẫy thú… Chính việc này đã làm cạn kiệt nguồn thức ăn của tê giác vì diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.

Một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ sự sống tê giác là phải thực hiện việc tái định cư đưa dân ra khỏi khu bảo tồn tê giác. Trước đây, Vườn QGCT cũng đã lập đề án tái định cư với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng nhằm đưa những hộ dân sống trong thôn 3, thôn 4 và thôn Ka Lút ra khỏi vùng lõi khu Cát Lộc nhưng rồi không thực hiện được vì thiếu kinh phí. Thạc sĩ Phạm Hữu Khánh cho biết, hiện muốn triển khai đề án này cần phải có khoảng 100 tỷ đồng nhưng ông cho rằng trước khi thực hiện chúng ta phải điều tra số lượng, độ tuổi và khả năng sinh sản của tê giác. Nếu thực sự chúng không có khả năng sinh sản để phát triển đàn thì nhất thiết phải đưa tê giác về các vườn thú nuôi dưỡng để bảo tồn gien chứ chưa nên thực hiện việc tái định cư. Trước mắt, Vườn QGCT đang thực hiện phương châm ổn định dân tại chỗ, đầu tư phát triển kinh tế vùng đệm để thu hút dân tự ra ngoài.

Công Hoan, SGGP, ngày 30/12/2008

 

Ở Ấn Độ và Nepal thực hiện phương châm “sống chung với tê giác” nên bảo vệ rất tốt loài tê giác. Trước đây, tại Tứ Xuyên (Trung Quốc), loài gấu trúc (một loài thú quý hiếm trên thế giới) chỉ còn chưa đầy 100 con. Sau đó họ quảng bá hình ảnh khắp các công trình công cộng như bến xe, siêu thị, bệnh viện, trường học…  để khơi dậy lòng tự hào, tình yêu thiên nhiên của người dân. Điều này đã giúp bảo tồn và phát triển loài thú quý hiếm này trong thiên nhiên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *