GS.TSKH Phan Nguyên Hồng nhận giải thưởng Quốc tế Cosmos Prize năm 2008

1. Giải thưởng quốc tế Cosmos Prize năm 2008

          Giáo sư Phan nguyên Hồng đã vượt qua 4 lần tuyển chọn và trở thành người duy nhất đạt giải thưởng năm 2008.    

Năm 2008, tổng cộng có 131 người của 25 nước được đề cử. Trong lần họp thứ 3, Ban Chuyên gia Tuyển chọn (Screening Committee of Experts) đã chọn được 6 người trong số 131 người. Ban Thư ký của Hội đồng của Quỹ Expo 90 (Expo’90 Foundation) đã gửi thư đến 6 ứng viên này yêu cầu gửi bản lý lịch khoa học cập nhật cho Expo 90. Ngày 30/6/2008, Ban Chuyên gia Tuyển chọn đã họp lần thứ 4 tại Tokyo và đã chọn một ứng cử viên cuối cùng cho giải thưởng Cosmos 2008. Đó là giáo sư, tiến sỹ khoa học, nhà giáo nhân dân Phan Nguyên Hồng – nguyên cán bộ giảng dạy bộ môn Thực vật học, khoa Sinh học; nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh thái Rừng ngập mặn thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

          Để chuẩn bị cho buổi họp báo vào ngày 23/7/2008 của Ban Chuyên gia tuyển chọn, Ban Thư ký giải thưởng quốc tế Cosmos đã sang Việt Nam làm việc với người được nhận giải là GS. TSKH. Phan Nguyên Hồng và các cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh thái Rừng ngập mặn (MERC) về quá trình hoạt động khoa học và các thành tích nổi bật của GS. Phan Nguyên Hồng. Ban Thư ký giải thưởng quốc tế Cosmos cũng đã vào t/p Hồ Chí Minh gặp một đại diện của Tổ chức Phục hồi rừng ngập mặn Nhật bản (ACTMANG) là người Nhật đang làm việc tại Việt Nam nhiều năm, và đã đi tìm hiểu tình hình thực tế ở khu rừng ngập mặn do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ quản lý.  

Sau khi trở về Nhật, vào ngày 23/7/2008 dựa trên các thông tin xác thực của Ban Thư ký, lãnh đạo Quỹ Expo 90 và Ban Chuyên gia Tuyển chọn giải thưởng Cosmos đã họp nội bộ tiếp đó là họp báo công bố GS. Phan Nguyên Hồng là người chính thức được nhận Giải thưởng Cosmos năm 2008, kèm theo ảnh, sơ lược về thân thế, sự nghiệp, một số công trình khoa học của giáo sư.

Sau lễ trao giải long trọng tổ chức tại Osaka, Nhật bản, GS. Phan Nguyên Hồng sẽ giảng bài ở trường đại học Kyoto và nói chuyện tại một trường trung học về lĩnh vực chuyên môn của mình, tham dự hội thảo chuyên đề được tổ chức để vinh danh giáo sư, tiếp kiến Thái tử Nhật Bản, gặp gỡ và làm việc với Bộ Nông nghiệp – Lâm nghiệp và Thủy sản, Bộ Đất đai – Cơ sở hạ tầng và Vận tải, Nhật bản, tham dự một buổi họp báo tại Tokyo ….

 

2. Quá trình giảng dạy và nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn (RNM) của GS. Phan Nguyên Hồng          

Giáo sư Phan Nguyên Hồng đã giảng dạy và nghiên cứu khoa học hơn 50 năm ở khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã bắt đầu nghiên cứu hệ sinh thái RNM từ năm 1964 (không phải từ năm 1957 như một số thông tin đã đưa). Sau khi thống nhất đất nước, GS. Phan Nguyên Hồng đã cùng các cán bộ của MERC đi nghiên cứu về hậu quả của chiến tranh hóa học và hệ sinh thái RNM ở nhiều vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó hợp tác với ngành Lâm nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và UBND huyện Cần Giờ nghiên cứu phục hồi RNM do chiến tranh hóa học hủy diệt và tham gia lập đề án xây dựng Khu Sinh quyển rừng ngặp mặn Cần Giờ và được UNESCO/MAB công nhận vào ngày 20/1/2000.

GS. Phan Nguyên Hồng đã cùng các cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu hệ sinh thái Rừng ngập mặn giúp đỡ kỹ thuật cho các địa phương trồng và phục hồi RNM phòng hộ ở 8 tỉnh phía bắc do các tổ chức phi chính phủ như ACTMANG, Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ kinh phí, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các Hội Chữ thập đỏ địa phương trồng, chăm sóc và bảo vệ từ 1994 đến nay dưới sự chỉ đạo của Liên hiệp các hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ở Việt Nam.

          Ngoài ra, GS. Phan Nguyên Hồng đã chủ trì nhiều hội thảo quốc gia về hệ sinh thái RNM, phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật và lợi ích của RNM trong phòng chống thiên tai, tăng nguồn hải sản và cải thiện cuộc sống của những người dân nghèo; chỉ đạo MERC xây dựng Trạm Nghiên cứu Hệ sinh thái Rừng ngập mặn tại xã Giao Lạc, huyện Giao Thuỷ, Nam Định để làm địa điểm tập huấn cho cộng đồng địa phương ven biển, câu lạc bộ cho học sinh trung học cơ sở và nơi nghiên cứu của sinh viên đại học và sau đại học trong và ngoài nước; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền giáo dục và triển lãm di động “Vì màu xanh RNM”, câu lạc bộ học sinh bảo vệ môi trường ven biển. Từ những hoạt động trên, hiện nay nhiều xã ven biển không còn tình trạng phá RNM để lấy củi hoặc nuôi tôm tự phát.

Giáo sư Phan Nguyên Hồng là thành viên của một số tổ chức quốc tế như Hiệp hội Hệ sinh thái Rừng ngập mặn quốc tế (ISME), Ủy ban IUCN về Quản lý các hệ sinh thái (CEM), Ủy ban toàn cầu về các khu bảo vệ (WCPA/IUCN), Tổ chức hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về RNM toàn cầu (GLOMIS).

Giáo sư Phan Nguyên Hồng đã cùng các cán bộ của MERC và các nhà khoa học trong và ngoài nước viết nhiều bài báo, báo cáo cho các tạp chí, hội thảo khu vực và quốc tế; tham gia viết một số sách xuất bản ở trong và ngoài nước.

Giáo sư Phan Nguyên Hồng đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng các danh hiệu: Nhà giáo ưu tú (1991), Nhà giáo nhân dân (1997); Huân chương lao động hạng nhì (1996), Huân chương lao động hạng nhất (2000), Chiến sĩ thi đua toàn quốc trong thời kỳ đổi mới (1990 – 1999), Giải thưởng Môi trường năm 2005 (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ngoài ra, Bộ trưởng các Bộ Giáo dục,  Lâm nghiệp, Thủy sản cũng đã trao tặng các huy chương vì sự nghiệp phát triển giáo dục, lâm nghiệp, thủy sản; Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT HN tặng huy chương hoạt động khoa học vì đã có thành tích xuất sắc trong việc phát triển giáo dục, phục hồi, bảo vệ rừng và nguồn lợi hải sản ven biển.

Giáo sư Phan Nguyên Hồng là người thầy giáo tận tụy với công tác đào tạo thế hệ trẻ kế cận. Nhiều cán bộ được giáo sư đào tạo hiện đang hoạt động tích cực trong công tác nghiên cứu và giảng dạy về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái RNM – tiêu biểu như PGS. TS. Trần Văn Ba, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Trí, PGS. TS. Mai Sỹ Tuấn, TS. Lê Xuân Tuấn., TS. Nguyễn Thị Hồng Liên… và nhiều giảng viên khác hiện đang công tác tại khoa Sinh học, trường ĐHSP HN, ĐHSP Huế, ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh….và Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh thái Rừng ngập mặn thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.   

 

Giám đốc Trung tâm

Nghiên cứu hệ sinh thái Rừng ngập mặn

                                                                                                

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *