TỌA ĐÀM VỀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BQLRCĐ, QUY ƯỚC QLBVRCĐ THÔN CHO BQLRCĐ BẢN KHE TRĂN VÀ CÂU LẠC BỘ SỬ DỤNG RỪNG THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG THÔN XÀ NGHÌN I

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Quản lý bền vững rừng tự nhiên thông qua nâng cao nhận thức và năng lực để cải thiện việc sử dụng quyền và địa vị pháp lý của cộng đồng dân tộc thiểu số đối với rừng tự nhiên ở miền trung Việt Nam năm 2013” do Viện Rosa Luxemburg tài trợ.

Sáng ngày 19/10, buổi tọa đàm giữa 16 thành viên Ban QLRCĐ Khe Trăn với các chuyên gia đại diện Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh và cán bộ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền đã diễn ra tại Nhà sinh hoạt cộng đồng bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bản Khe Trăn được UBND huyện Phong Điền giao quản lý gần 200 ha rừng tự nhiên từ năm 2011, nhưng 2 năm qua, chưa thực hiện được hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng nào thật hiệu quả. Từ đầu năm 2013, được sự hỗ trợ từ Dự án Rosa, Hội KHKT tỉnh và C&E, đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, tọa đàm chính sách đã giúp nâng cao đáng kể nhận thức và năng lực của các thành viên Ban QLRCĐ và của người dân; các cơ sở vật chất do dự án hỗ trợ như tủ sách tài liệu, áo quần bảo hộ để tuần tra canh gác rừng, loa cầm tay, văn phòng phẩm, chi phí thông tin, liên lạc…đã giúp cho hoạt động của Ban QLRCĐ đi vào nề nếp, có chiều sâu và chất lượng hơn. BQLRCĐ chia sẻ vui mừng, phấn khởi vì Quy chế hoạt động của Ban QLRCĐ, quy định quản lý sử dụng quỹ BVPTRCĐ bản đã đuợc UBND xã Phong Mỹ phê duyệt và Quy ước bảo vệ rừng đã được Hạt Kiểm lâm, Phòng Tư pháp huyện thông qua, đang trình UBND huyện phê duyệt. Hai văn bản này được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho Ban QLRCĐ hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh những thuận lợi  trên, các thành viên Ban QLRCĐ cũng đề cập đến những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của mình. Cụ thể, đường đi vào rừng tự nhiên do bản quản lý có nhiều dốc đá nên đi lại khó khăn, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động tuần tra bảo vệ rừng còn thiếu thốn; không có kinh phí chi trả công lao đng cho người đi tuần tra canh gác nên không động viên được họ tích cực tham gia; cơ chế, chế tài để cho Ban xử lý các đối tượng bên ngoài cộng đồng xâm hại rừng không đủ sức răn đe… Hơn nữa, cuộc sống của người dân còn nghèo, vất vả nên họ phải ưu tiên lao động kiếm tiền cho gia đình hơn là tình nguyện tham gia quản lý bảo vệ rừng. Vì vậy, đề nghị các bên liên quan xem xét hỗ trợ một phần kinh phí cho các hoạt động tuần tra, canh gác rừng cũng như hỗ trợ xây dựng các mô hình làm giàu rừng (nuôi/trồng các loại cây, con bản địa) vừa phát triển vốn rừng nhà nước giao vừa tạo thêm sinh kế, thu nhập cho người dân. Có như vậy mới tạo động lực cho người dân địa phương tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng cộng đồng được Nhà nuớc giao.

Đại diện Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh đã trao đổi về các giải pháp cho các vấn đề trên. Cụ thể người dân nên phát huy sức mạnh của cộng đồng, mục tiêu của tuần tra canh gác bảo vệ rừng là phòng ngừa vi phạm về lâm luật trên địa bàn. Do đó, Ban QLRCĐ cần có kế hoạch cụ thể cho các tổ đi tuần tra,nắm bắt thông tin xâm hại vào rừng và tổ chức thực hiện để luôn có người của cộng đồng thường xuyên đi tuần tra canh gác rừng. Khi rừng thật sự có chủ thì người ngoài sẽ e ngại, hạn chế việc vào rừng chặt phá, khai thác lâm sản trái phép. Khi gặp trường hợp lâm tặc ngoan cố, liều lĩnh thì tổ tuần tra bảo vệ rừng nên báo cáo ngay cho Ban QLRCĐ, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời. Về nguồn kinh phí, Ban QLRCĐ cần chủ động, linh hoạt tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ khác để thực hiện các hoạt động khoanh nuôi, làm giàu rừng để có kinh phí phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng của mình. Cần phải thực hiện nghiêm túc quy định mỗi lao động chính của địa phương phải có trách nhiệm đóng góp 5 ngày công lao động tương đương 500.000đ/năm, đây chính là nguồn thu để trang trải cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng của cộng đồng. Quá trình triển khai thực hiện Quy chế, Quy ước, Hội sẽ cử cán bộ theo dõi để giúp cho Ban QLRCĐ thực hiện tốt các nghĩa vụ, trách nhiệm và được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của Nhà nước và quy định tại Quy chế, Quy ước này.

Buổi tọa đàm đã trở thành một diễn đàn mở để các thành viên Ban QLRCĐ Khe Trăn và người dân gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế hoạt động của Ban QLRCĐ Khe Trăn và Quy ước bảo vệ phát triển rừng của bản. Thông qua tọa đàm cũng góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người dân đối với 2 văn bản quan trọng này. Từ đó, chắc chắn hiệu quả thực hiện các Quy ước, Quy chế sẽ được nâng cao đáng kể trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, bảo vệ, phát triển vốn rừng Nhà nước đã giao cho cộng đồng bản Khe Trăn.

 

Buổi tọa đàm của Câu lạc bộ Sử dụng rừng thân thiện  môi trường thôn Xà Nghìn I với đại diện chính quyền và các cơ quan liên quan tại địa phương diễn ra vào ngày 28 tháng 10 năm 2013 tại nhà Gươi của thôn.

Tham dự buổi tọa đàm ngoài 30 thành viên CLB còn có đại diện 19 hộ còn lại trong thôn cùng các đại biểu đến từ các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương như Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cán bộ lâm nghiệp xã và kiểm lâm địa bàn, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam. Tại buổi gặp mặt này cộng đồng người dân thôn Xà Nghìn I và chính quyền các cấp, các bên liên quan đã trao đổi về sự tham gia của các bên trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng nói chung và cách thức triển khai thực hiện Quy chế hoạt động của CLB đã ban hành nói riêng.

Ban chủ nhiệm và các thành viên CLB đều nhận ra rằng cần mạnh dạn, chủ động đề xuất chương trình hoạt động của CLB như làm tờ trình gửi Hạt Kiểm lâm Đông Giang, Kiểm lâm địa bàn xã, UBND xã xin hướng dẫn tuần tra nhằm tăng cường lực lượng dân quân tự vệ, Công an, xã đội hỗ trợ CLB tham gia truy quét lâm tặc. Điều này thể hiện được vai trò của Câu lạc bộ, từ thụ động sang chủ động trong việc đi kêu gọi  hỗ trợ về lực lượng, kinh phí từ chính quyền và các cơ quan chức năng để CLB hoạt động ngày càng hiệu quả.

UBND xã Za Hung và Kiểm lâm địa bàn cũng nhận ra rằng để quản lý bảo vệ rừng đồng hiệu quả thì cần phải nêu cao vai trò của người dân hơn nữa trong việc quản lý RCĐ, phải thường xuyên nắm bắt thông tin và huy động lực lượng để kiểm tra, truy quét, thu giữ và xử lý vi phạm trong các khu rừng còn giàu tài nguyên đã giao cộng đồng quản lý.Về phía chính quyền, các ngành chức năng cần phải làm tốt công tác truyền thông, cung cấp cho người dân những hiểu biết, thông tin thiết thực phục vụ quá trình sản xuất, hướng dẫn người dân áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Thông qua buổi tọa đàm, các thành viên CLB có cái nhìn thực tế hơn trong việc thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình khi tham mưu, đóng góp ý kiến để đưa CLB ngày càng hoạt động hiệu quả. Việcngười dân đã tham gia đóng góp ý kiến tích cực để xây dựng và hoàn thiện được qui ước quản lý bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng và được phê duyệt của chính quyền cũng đánh dầu một bước tiến trong hoạt động quản lý bảo vệ rừng của cộng đồng địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *