Diễn đàn: Cộng đồng địa phương tham gia công tác bảo vệ Môi trường

Võ Đình Thanh

Thành viên Nhóm Tư Vấn tại Miền Trung

Quỹ Môi trường Sida được ĐSQ Thuỵ Điển hình thành từ năm 1997, nhằm giúp hỗ trợ các sáng kiến bảo vệ môi trường và các nỗ lực huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan địa phương cũng như các đoàn thể trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Trong thời gian 4 năm hoạt động, Quỹ đã hỗ trợ cho hơn 54 dự án, có tác động đến nhiều cộng đồng, địa phương trong việc huy động sự tham gia cộng đồng vào công cuộc bảo vệ môi trường. Các hoạt động của các dự án do SEF tài trợ đã góp phần đáng kể cho việc nâng cao nhận thức, cải thiện môi trường, triển khai các chính sách và chủ trương của đảng và nhà nước tại các địa phương, do vậy các hoạt động này rất được chính quyền quan tâm, ủng hộ. Nhiều nơi các kinh nghiệm, mô hình hoạt động đã được nhân rộng ra cho nhiều địa bàn khác.

Với mục đích nhằm tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, khuyến khích phát triển các mối quan hệ hợp tác giữa các cộng đồng bảo vệ môi trường tại khắp các miền của đất nước. Nhằm tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa Quỹ SEF, các cộng động với các chức năng của Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tài trợ quốc tế khác về lĩnh vực tài trợ, hướng tài trợ cho cộng đồng, sáng kiến bảo vệ môi trường địa phương. Quỹ Môi trường Sida đã tổ chức diễn đàn “Cộng đồng địa phương tham gia công tác bảo vệ môi trường”.

Diễn đàn đã được tổ chức vào hai ngày 10 và 11 tháng 11 năm 2000 tại Hà Nội, với sự tham gia của 68 đại biểu là các đại diện của các cộng đồng (làng, xã, huyện, trường học) có những hoạt động, sáng kiến trong công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương, đa số trong đó là các chủ dự án của SEF trong 4 năm qua, đại diện của các đoàn thể, các cơ quan có tham gia các hoạt động truyền thông, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường ở các cơ sở. Diễn đàn cũng thu hút sự quan tâm và tham gia của đại diện của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức phi chính phủ quốc tế như Hiệp hội Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên IUCN, Tổ chức Phát triển Hà lan SNV, Quỹ hỗ trợ Phát triển Bình đẳng giới Thuỵ Điển – Đan Mạch, đại diện của Cục Môi trường, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam. Đến dự với diễn đàn còn có đại diện của ĐSQ Thuỵ Điển, ĐSQ Hà Lan tại Hà Nội.

Buổi sáng ngày 10/11, sau diễn văn khai mạc của Giáo sư Lê Quý An, Chủ tịch nhóm AG và phát biểu của ngài Ola Moller, đại diện ĐSQ Thuỵ Điển, diễn đàn đã nghe 4 báo cáo tham luận của các AG về hoạt động và kinh nghiệm của SEF trong thời gian qua về vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương, hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng, hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và kinh nghiệm về quản lý dự án cộng đồng.

Tiếp đó diễn đàn cũng đã nghe các đại biểu của các địa phương giới thiệu các kinh nghiệm tổ chức triển khai các hoạt động khuyến khích cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường tại địa phương mình. Điển hình là các tham luận của đại biểu Bùi Vĩnh Hiển về “Kinh nghiệm hình thành và phát triển Tình nguyện Xanh ở Thừa Thiên Huế”; “Kinh nghiệm về vận động xây dựng hương ước bảo vệ môi trường” của Đoàn thanh niên xã Yên Quang, Nho Quan, Ninh Bình; “Tổ chức và các bài học kinh nghiệm về hình thành Quỹ quay vòng trong hỗ trợ sáng kiến bảo vệ môi trường” của đại biểu Phan Văn Nghĩa, xã Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng; đại biểu Nguyễn Huy Chiến, Phòng Giáo dục huyện Quảng Xương, Thanh Hoá giới thiệu về “mô hình giáo dục môi trường trong trường học”; các vấn đề về tổ chức chuyển giao kỹ thuật, công nghệ phù hợp môi trường và kinh nghiệm tổ chức quản lý dự án cộng đồng cũng đã được các đại biểu Huỳnh Hữu Thiết, Đồng Phú, Bình Phước và đại biểu Phạm Ngọc Dũng, Thừa Thiên Huế giới thiệu khá rõ ràng, cụ thể. Các tham luận được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nhiều kinh nghiệm đã được các diễn giả trình bày rõ ràng dễ hiểu, đây là các kinh nghiệm thực tế, lại do chính chính những người trực tiếp triển khai trình bày nên thu hút sự chú ý của toàn thể diễn đàn và được các đại biểu đánh giá cao về ý nghĩa thực tế.

Vào buổi chiểu ngày 10/11, nhằm tăng cường trao đổi giữa các đại biểu, diễn đàn tổ chức thành 2 tiểu ban thảo luận về một số vấn đề chính liên quan đến các hoạt động bảo vệ môi trường cộng đồng. Các vấn đề này cũng đã được thăm dò theo phiếu thăm dò kỳ vọng đại biểu về các nội dung và mong muốn thảo luận của diễn đàn trong quá trình chuẩn bị diễn đàn. Các chủ đề được diễn đàn tập trung thảo luận là:

Chủ đề 1 – Quỹ quay vòng:

1. Các hoạt động nào cần lập Quỹ quay vòng?

2. Cách lựa chọn hộ vay, hộ hưởng lợi?

3. Cách quản lý Quỹ quay vòng ở địa phương (Ban quản lý, các thủ tục cần thiết, duy trì hoạt động)

4. Sự kiểm soát của SEF với các Quỹ quay vòng, đặc biệt là sau dự án?

5. Các sự cố và thay đổi có thể xảy ra với Quỹ quay vòng?

Chủ đề 2 – Các hoạt động tổ chức, quản lý dự án môi trường cộng đồng:

1. Các vấn đề (rắc rối, khó khăn) các chủ dự án, các ban quản lý dự án đang gặp phải trong quá trình quản lý, triển khai hoạt động là gì?

2. Thành phần ban quản lý, các thủ tục cần thiết cho việc hình thành ban quản lý là gì? Cách thức lựa chọn thành phần ban quản lý dự án nên như thế nào để bảo đảm là của người dân, không vì “chức sắc”, hoặc cho đủ thành phần?

3. Vai trò của các cấp chính quyền đối với các dự án SEF, dự án cộng đồng?

4. Các thủ tục cần thiết giữa SEF và ban quản lý dự án và chính quyền địa phương hiện tại có thể cải tiến thêm những gì để giúp cho công tác quản lý dự án và hoạt động của Quỹ?

5. Sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các dự án nên như thế nào để có hiệu quả nhất và tiết kiệm ngân sách cho cộng đồng nhất?

6. Những điểm quan trọng cần thiết để bảo đảm tổ chức nhân dân thực hiện dự án sao cho có kết quả thiết thực và lâu dài.

Chủ đề 3 – Lựa chọn và chuyển giao công nghệ và kỹ thuật cho địa phương:

1. Các lĩnh vực cần chuyển giao các công nghệ, kỹ thuật cho cộng đồng liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững ở vùng nông thôn, miền núi?

2. Cách thức lựa chọn cần lưu ý những điểm gì?

3. Vai trò của người chuyển giao công nghệ và cộng đồng địa phương trong quá trình lựa chọn, chuyển giao công nghệ.

4. Các cơ quan tài trợ sẽ hỗ trợ những khía cạnh gì, mức độ nào?

5. Các khó khăn thường gặp trong quá trình chuyển giao công nghệ.

Chủ đề 4 – Hướng tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường cộng đồng trong thời gian tới:

1. Các lĩnh vực tài trợ

2. Đối tượng tài trợ

3. Thời gian cũng như các lĩnh vực, hoạt động cần tài trợ

4. Cách thức tài trợ cho cộng đồng.

Các đại biểu đã rất tích cực thảo luận trong suốt buổi chiều, nhiều ý kiến, kinh nghiệm cũng như các bức xúc, khó khăn thường gặp đã được các đại biểu trao đổi, giải quyết và thống nhất. Các ý kiến thống nhất của các nhóm đã được thống nhất lại và trình bày trước diễn đàn vào ngày họp tiếp theo.

Mở đầu ngày 11/11, các đại diện của các nhóm đã trình bày các kết quả thảo luận của các nhóm trước toàn thể diễn đàn và thảo luận chung thống nhất trước toàn thể diễn đàn.

Chủ đề 1 – Quỹ quay vòng: Diễn đàn thống nhất rằng:

1. Quỹ quay vòng là một hoạt động quan trọng nhằm hỗ trợ điều kiện kinh phí, xúc tiến các hoạt động của cộng đồng. Tuy nhiên đối với các hoạt động giúp cải thiện điều kiện sống của gia đình hoặc có tạo ra thu nhập thì nên lập Quỹ quay vòng để nhiều người được hưởng lợi, ví dụ các mô hình canh tác VAC, biogas, cải tạo vườn, bếp không khói…

2. Cách thức lựa chọn hộ vay cần phải dựa vào sự bình bầu lựa chọn của cộng đồng, tuy nhiên cần có các chỉ tiêu để đảm bảo mục đích bảo vệ môi trường, khả năng hoàn vốn, nhiệt tình triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường. Lưu ý các hộ nghèo nhưng có trách nhiệm và biết cách làm ăn.

3. Quỹ quay vòng cần được Ban quản lý dự án quản lý chặt chẽ, có hồ sơ thủ tục, cam kết, các yêu cầu sử dụng vốn. Ban quản lý cần xác định thời gian thu hội vốn hợp lý tuỳ theo hoạt động. Các thủ tục quản lý Quỹ cần được thông báo và tranh thủ sự giúp đỡ của địa phương và cần có sự giám sát thường xuyên của SEF. Hầu hết các đại biểu đều thống nhất ý kiến rằng nên có một lãi suất nhẹ để giúp ban quản lý duy trì hoạt động sau dự án.

4. Sau khi dự án kết thúc, các Quỹ quay vòng vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, như một Quỹ môi trường địa phương. Quỹ cần được giao lại cho cộng đồng địa phương tự quản lý, với các quy chế chặt chẽ và có sự công nhận, giúp đỡ của chính quyền. Mặc dù giai đoạn này SEF không còn trực tiếp quản lý nữa nhưng ban quản lý Quỹ cần có các báo cáo định kỳ thường xuyên cho SEF. Sau một thời gian SEF cần phải nắm lại tình hình của các Quỹ này.

5. Một số sự cố rủi ro trong quá trình quản lý Quỹ thường hay xảy ra ở cộng đồng là sự chiếm dụng vốn, làm ăn thất bại, mất mùa, ốm đau bất thường của các hộ vay vốn không thể hoàn trả vốn vay, hoặc không trả đúng hạn, sự biến động, thay đổi các thành viên ban quản lý Quỹ…

Chủ đề 2 – Các hoạt động tổ chức quản lý dự án môi trường cộng đồng:

1. Các khó khăn trong quá trình tổ chức quản lý dự án thường gặp phải là: thời gian dự án quá ngắn, năng lực của ban quản lý lại hạn chế, việc tiếp cận vận hành lại cần thời gian, mặt khác quản lý phí ở các dự án còn rất hạn chế, điều này cũng dẫn đến giới hạn phần nào hoạt động của ban quản lý dự án. Nhận thức về môi trường của cộng đồng còn thấp nên trong giai đoạn đầu tiên, ban quản lý dự án gần như kiêm luôn vai trò của các tuyên truyền viên. Ngoài ra còn một số khó khăn khác như, hầu hết các dự án ở vùng xa xôi, liên lạc giữa ban quản lý dự án và chuyên gia khó khăn, không thường xuyên. Thiên tai, biến động về nhân sự trong công tác của thành viên ban quản lý dự án cũng là những khó khăn thường gặp của hoạt động quản lý dự án môi trường cộng đồng.

2. Cách thức lựa chọn ban quản lý dự án: Ban quản lý dự án là những người đại diện của cộng đồng hưởng lợi, nhiệt tình, có năng lực, uy tín. Ban quản lý dự án cần được người dân nhất trí bầu và được chính quyền công nhận. Trong ban quản lý cần lưu ý đến khía cạnh giới, độ tuổi và đối tượng đại diện.

3. Vai trò của các cấp chính quyền: ủng hộ và hỗ trợ, giúp đỡ Ban quản lý dự án trong triển khai và một số thủ tục hành chính cần thiết. ở nhiều nơi, chính quyền cùng tham gia vào Ban quản lý dự án để nắm vững hoạt động, lồng ghép với các hoạt động khác của địa phương và hỗ trợ giúp đỡ cho Ban quản lý dự án về nhiều mặt trong suốt quá trình triển khai và nhân rộng dự án.

4. Các thủ tục giữa SEF – chính quyền – chủ dự án: các đại biểu đều cho rằng các thủ tục hành chính giữa SEF (cơ quan tài trợ) – chủ dự án và chính quyền khá chặt chẽ, bảo đảm tính pháp lý và điều kiện cơ bản để dự án có thể được triển khai thuận lợi, bảo đảm người dân được chủ động trong hoạt động của mình.

5. Sự phối hợp của dự án với các cơ quan chuyên môn: các hoạt động bảo vệ môi trường cộng đồng cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn. Các dự án thường hợp đồng với các cơ quan này về hoạt động cung cấp, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ. Một số địa phương, các cộng đồng còn tranh thủ và nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn liên quan, có các chương trình, hoạt động phù hợp, do vậy tranh thủ được sự hỗ trợ thêm về tiền và khoa học, kỹ thuật, đặc biệt ở giai đoạn nhân rộng các kết quả dự án.

6. Những điểm quan trọng cần thiết để bảo đảm tổ chức nhân dân thực hiện dự án sao cho có kết quả thiết thực và lâu dài chủ yếu là: các hoạt động nâng cao nhận thức môi trường, xây dựng các mô hình trình diễn để tham quan, trao đổi kinh nghiệm trong cộng đồng, các hoạt động bảo đảm sự tham gia và tạo lòng tin trong cộng đồng.

Chủ đề 3 – Lựa chọn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật phù hợp môi trường cho cộng đồng địa phương:

1. Về các lĩnh vực công nghệ cần lưu ý hỗ trợ chuyển giao cho người dân cần tập trung vào các lĩnh vực sau:

· Xử lý chất thải trong sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ

· Tạo nguồn nước sạch

· Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả chất đốt

· Đa dạng hoá sinh học trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng

· Kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, có hiệu quả

· áp dụng IPM, sạ lúa theo hàng…

· Mô hình canh tác đất dốc, VAC.

2. Các điểm cần lưu ý trong quá trình lựa chọn, chuyển giao công nghệ:

· Tính khả thi: đầu tư thấp, có hiệu quả và bảo đảm khả năng nhân rộng

· Phù hợp với nhu cầu, phong tục tập quán

· Dễ học, dễ làm.

3. Vai trò của người chuyển giao công nghệ:

· Người chuyển giao cung cấp các kỹ thuật, hướng dẫn người dân áp dụng, ngoài ra các chuyên gia cũng cần cung cấp thường xuyên các thông tin cho cộng đồng. Tuy nhiên việc chuyển giao công nghệ này phải do người dân quyết định lựa chọn, các cộng đồng tổ chức áp dụng công nghệ và bình chọn những người áp dụng, tiếp cận các công nghệ và phản hồi thông tin cho chuyên gia.

4. Trong quá trình chuyển giao công nghệ, các cơ quan tài trợ cần hỗ trợ các khía cạnh:

· Thiết bị, vật liệu đơn giản cho xây dựng mô hình

· Cung cấp chuyên gia

· Duy trì thông tin cho người dân và các khoá đào tạo kỹ thuật

5. Các khó khăn trong quá trình chuyển giao công nghệ:

· Nhận thức cộng đồng không đồng đều

· Chưa biết cách quản lý

· Phong tục tập quán, thói quen sử dụng kỹ thuật, công nghệ cũ

· Biến động xã hội và thiên tai cũng như biến động thị trường là thay đổi các hoạt động kinh tế chính liên quan đến nhu cầu áp dụng các công nghệ mới phù hợp môi trường.

Chủ đề 4 – Hướng tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên của cộng đồng trong thời gian tới:

1. Các lĩnh vực:

· Các mô hình xử lý chất thải (nông, lâm, ngư nghiệp…)

· Nâng cao nhận thức (các lớp tập huấn, phong trào cộng đồng, quy ước, hương ước bảo vệ môi trường…)

· Các hoạt động bảo tồn, sử dụng hợp lý tài nguyên, hỗ trợ phát triển bền vững nhằm giảm áp lực lên tài nguyên rừng.

· Trao đổi thông tin

· Hỗ trợ xây dựng và phát triển các đội Tình nguyện Xanh, các câu lạc bộ môi trường của nông dân, phụ nữ, học sinh…

2. Đối tượng tài trợ: ngoài các đối tượng của SEF đã tài trợ từ trước thì diễn đàn còn đề xuất Quỹ nên xem xét tài trợ cho các đối tượng sau:

· Các cộng đồng đô thị

· Các vùng đệm của các vườn quốc gia, khu bảo tồn.

3. Thời gian: tuỳ từng hoạt động mà tài trợ, tuy nhiên cũng lưu ý khả năng tài trợ cho một số hoạt động kéo dài hơn 1 năm, dưới 2 năm.

4. Cách thức tài trợ: kinh phí tài trợ vẫn nên chuyển trực tiếp cho cộng đồng hưởng lợi, chuyển kinh phí kịp thời, đúng đối tượng.

5. Đề xuất khác: các đại biểu diễn đàn đề xuất Quỹ cần lưu ý tài trợ cho việc mở rộng các mô hình đã được triển khai có hiệu quả tốt, có khả năng nhân rộng; xây dựng các mô hình chuẩn.

Các đại biểu đánh giá rất tốt các kinh nghiệm, các ý kiến đề xuất của các nhóm, họ xem đây là những bài học kinh nghiệm, các hướng dẫn rất thiết thực cho bản thân mỗi người, đồng thời cũng là ý kiến đề xuất với Quỹ Môi trường Sida cũng như thông qua diễn đàn và Quỹ đến các nhà tài trợ khác.

Phần tiếp theo của chương trình là một số các kinh nghiệm về quản lý, bảo vệ môi trường của các cộng đồng địa phương trong khu vực Đông Nam á, do bà Đỗ Thị Huyền, ĐSQ Thuỵ Điển trình bày. Trong phần này nhiều kinh nghiệm ở các nước như Thái Lan, Nêpan, ấn Độ về việc tổ chức hoạt động, hình thành mạng lưới trao đổi thông tin, quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng… đã được các đại biểu rất chú ý.

Diễn đàn cũng dành một khoảng thời gian thích hợp cho các đại biểu trao đổi các kinh nghiệm về cách thức vận động xây dựng các hương ước bảo vệ môi trường, các kinh nghiệm trong quản lý và thu hồi vốn vay quay vòng…

Trong phần đánh giá tổng kết diễn đàn, các đại biểu cũng đánh giá cao về nội dung chương trình thiết kế theo chủ đề. Những kinh nghiệm và lĩnh vực kinh nghiệm đông đảo các đại biểu thu nhận và có thể đem ra áp dụng được sau khi trở về địa phương tập trung vào:

· Các kinh nghiệm xây dựng hương ước

· Cách thức và các lưu ý trong quá trình tiếp cận và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ xử lý môi trường, sử dụng hợp lý và bảo tồn thiên nhiên

· Các kinh nghiệm về tổ chức triển khai dự án bảo vệ môi trường cộng đồng

· Các kinh nghiệm và lưu ý khi hình thành ý tưởng và xây dựng các dự án bảo vệ môi trường cộng đồng

· Định hướng củng cố và mở rộng kết quả dự án.

Một số đại biểu đã có những đề nghị với Ban tổ chức là:

· Quỹ nên tổ chức thường xuyên các diễn đàn như thế này để tăng cường trao đổi thông tin và nâng cao năng lực cho các cộng đồng.

· Quỹ nên xem xét về các quan hệ và sự phối hợp của các dự án SEF với các dự án, chương trình đang thực hiện của các cơ quan chức năng và các tổ chức khác.

Cuối cùng, thay mặt Ban Tổ chức, giáo sư Lê Quý An đã tổng kết các hoạt động và đúc rút ngắn gọn các vấn đề, các kinh nghiệm được trao đổi trong diễn đàn. Sau gần 2 ngày làm việc tích cực, có hiệu quả, với phương pháp làm việc khoa học, hợp lý, diễn đàn đã tạo được các cơ hội để các đại biểu được trình bày các vấn đề chủ chốt vừa mang tính khái quát, đề dẫn cho các thảo luận, vừa bảo đảm sự tham gia ý kiến của tất cả mọi người, tuỳ theo lĩnh vực và sự quan tâm cũng như mong muốn của các đại biểu. Nhiều ý kiến, kinh nghiệm cũng như các bài học đã được các đại biểu trao đổi và khái quát thành các bài học có giá trị vận dụng cao. Diễn đàn cũng đã đề xuất góp ý với các cơ quan trài trợ, điển hình là Quỹ SEF về hướng tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường của cộng đồng ở các địa phương trong thời gian tới. Giáo sư Lê Quý An cũng đã cảm ơn ĐSQ Thuỵ Điển tạo điều kiện để tổ chức diễn đàn và cảm ơn các ý kiến góp ý của các đại biểu và hứa sẽ xem xét các vấn đề, các ý kiến đề xuất của các đại biểu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả tài trợ cho các cộng đồng địa phương của Quỹ Môi trường Sida trong thời gian tới, góp phần thiết thực hơn nữa trong việc triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *