Biến đổi khí hậu đe doạ sinh kế người dân VN
Tiến gần tới "điểm tràn"
Báo cáo phát triển con người năm nay đã dành nội dung chủ yếu cho biến đổi khí hậu, vấn đề được ghi nhận là "tình huống khẩn cấp" của một cuộc khủng hoảng gắn liền với ngày hôm nay và mai sau. Thế giới chỉ còn chưa đầy một thập kỷ để thay đổi tình hình.
Nồng độ khí nhà kính đã vượt quá ngưỡng tự nhiên suốt 650 nghìn năm qua. Các tảng băng ở Nam Cực, ở Greenland đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh. Đại dương xuất hiện hiện tượng axít hóa. Rừng nhiệt đới bị thu hẹp… Từng hiện tượng riêng hay các hiện tượng kết hợp với nhau đều đưa thế giới tiến gần tới "điểm tràn".
Theo tính toán, ngân quỹ các-bon cho toàn thế kỷ 21 có thể sẽ bị cạn kiệt vào năm 2032.
Thiên tai tập trung chủ yếu ở các nước nghèo. Trong 4 năm 2000 – 2004, trung bình thế giới có 326 thiên tai mỗi năm với khoảng 262 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó hơn 98% ở các nước đang phát triển. Mức chênh lệch rủi ro giữa các nước phát triển và đang phát triển là 79 lần.
Nguy cơ ảnh hưởng khí hậu gắn liền với bão, lụt thường thấy ở các cộng đồng nông thôn tại các vùng châu thổ sông Hằng, sông Cửu Long, sông Nin, và các khu nhà ổ chuột trong các đô thị ở các nước đang phát triển. Nếu không giải quyết, 40% dân số thế giới có một tương lai vô vọng.
Việt Nam và "bóng đen" biến đổi khí hậu
"Bóng ma biến đổi khí hậu" đã và đang được nhận diện ở Việt Nam, ban đầu bởi những người "trong ngành", lãnh đạo cấp cao, và đang mở rộng ra cộng đồng.
Trên thực tế, sinh kế của hàng chục triệu người Việt Nam đang bị đe dọa với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vấn đề này và những hệ quả của nó đang khiến cho cuộc sống người nghèo và những người cận nghèo Việt Nam ở vùng núi, vùng biển, vùng đồng bằng bị đe dọa.
Triều cường là một trong những hệ quả của biến đổi khí hậu, đang tác động không nhỏ đến sinh kế người Việt ở ĐBSCL. |
Lượng mưa thất thường và luôn biến đổi. Nhiệt độ tăng cao hơn, tình hình thời tiến khốc liệt hơn. Tần suất và cường độ của những đợt bão lũ, triều cường tăng đột biến. Các dịch bệnh xuất hiện và lan tràn… Tình trạng thiếu hụt nước tăng cao. Diện tích rừng ngập mặn cũng bị tác động. Phân bố rừng nguyên sinh, thứ sinh có thể dịch chuyển. Nguy cơ tuyệt chủng các loài động thực vật gia tăng. Nguy cơ cháy rừng, phát tán dịch bệnh ngày càng hiển hiện. Nguồn thủy, hải sản bị phân tán.
Riêng việc nước biển dâng cao có thể khiến 22 triệu người Việt Nam mất nhà. Một phần lớn diện tích của đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long có thể bị ngập lụt do nước biển dâng, các chuyên gia cảnh báo.
Theo tính toán, năm 2070 các loại cây trồng Việt Nam có thể sẽ lên tới độ cao 550 mét và hướng lên phía bắc 100 – 200 km so với hiện tại. Các loài cây á nhiệt đới suy giảm… Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp sẽ buộc phải điều chỉnh.
Bóng đen biến đổi khí hậu đang trùm lên toàn Việt Nam. Nếu không điều chỉnh, đất nước sẽ ngày càng ngập sâu vào "món nợ sinh thái" không bền vững mà các thế hệ mai sau sẽ là người phải trả.
Nhận diện và thích ứng
Tuy nhiên, dù là quốc gia tham gia Công ước quốc tế về vấn đề này rất sớm, là nước đã sớm ký Nghị định thư Kyoto, nhưng tại Việt Nam, biến đổi khí hậu lần đầu tiên được đăng đàn Quốc hội cách đây chưa lâu. Và nội dung biến đổi khí hậu vẫn còn mờ nhạt, chìm đi trong muôn ngàn vấn đề quốc kế dân sinh khác.
Trong lần gần đây, cũng chỉ duy nhất một vị đại biểu nêu vấn đề này trong chất vấn chính phủ.
Cùng với những dấu hiệu ngày càng rõ ràng của thảm họa, nhận thức về biến đổi khí hậu đang đạt được sự đồng thuận trong xã hội. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Vụ phó Vụ hợp tác quốc tế, Bộ TN-MT khẳng định "biến đổi khí hậu là một thực tế đã, đang và sẽ xảy ra".
Trước thực tế đó, "Việt Nam cần phải có một chiến lược dài hơn, trong một tầm nhìn dài hạn", "cần một quyết tâm lớn".
Phó Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam, ông Christopher Bahuet khuyến nghị, Việt Nam cần giải quyết ở cả ba cấp độ: cộng đồng, chính sách và năng lực thể chế, trong đó quan trọng nhất là xây dựng năng lực thể chế.
Ở cấp độ cộng đồng, trong ngắn hạn, cần có các hỗ trợ khẩn cấp thông qua hỗ trợ thiên tai; về lâu dài, cần nâng cao năng lực thích ứng ở các vùng bị ảnh hưởng, ví dụ như xây dựng nhà cửa thích hợp ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ở cấp độ chính sách, cần xây dựng chiến lược ở cấp quốc gia cũng như địa phương. Các yếu tố thay đổi khí hậu cần được lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Michael Parisons, đại diện tổ chức hoạt động môi trường, Chính phủ cần tìm các biện pháp thích nghi cho người nghèo và những người cận nghèo, những người chịu tác động nhiều nhất. Nhờ đó, Chính phủ sẽ giúp cho người dân vừa thích ứng với điều kiện biến đổi, vừa bảo vệ tài sản cho họ, đảm bảo cho sinh kế.
- Phương Loan