TẬP HUẤN KỸ NĂNG HOẠT ĐỘNG CHO CÂU LẠC BỘ VÀ TỌA ĐÀM PHỐI HỢP CÁC BÊN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG CỘNG ĐỒNG THÔN XÀ NGHÌN I

Ngày 24/8/2013, đã diễn ra buổi tập huấn về xây dựng quy ước quản lý bảo vệ và phát triển RCĐ và kỹ năng làm việc với các cấp chính quyền cho 30 thành viên Câu lạc bộ sử dụng rừng thân thiện môi trường thôn Xà Nghìn I; 02 cán bộ xã Zà Hung (gồm Chủ tịch UBND, cán bộ lâm nghiệp xã) và 01 Kiểm lâm địa bàn.

Việc xây dựng Quy ước quản lý bảo vệ và phát triển RCĐ thôn Xà Nghìn I là rất phù hợp vì các thành viên CLB là người dân tộc Cơ Tu nên họ biết rất rõ những Luật tục do cộng đồng thôn quy định mà người đứng đầu là già làng. Vì vậy, mọi người đều nêu ra được các Luật tục tại địa phương mình như không chặt phá rừng đầu nguồn, rừng thiêng, không phát đốt lửa trong rừng già, không săn bắt thú rừng mùa sinh sản, thú rừng quí hiếm… Tuy nhiên các thành viên cũng hiểu rõ những luật tục chỉ áp dụng đối với những người dân tộc Cơ Tu trong thôn của họ chứ người ngoài thôn thì rất khó thực hiện, đặc biệt là người kinh từ đồng bằng đến khai thác, săn bắt thú trong khu vực rừng của thôn. Do vậy, cần xây dựng quy chế bảo vệ rừng thôn để trình UBND cấp huyện phê duyệt thực hiện nhằm khắc phục hạn chế vừa nêu.

Việc xây dựng quy ước rất được sự quan tâm và tham gia của mọi người vì nhận thức được nội dung này là cần thiết để quản lý bảo vệ rừng theo nhóm hộ gia đình trước khi ký kết hợp đồng khoán bảo vệ rừng với Ban quản lý rừng phòng hộ A Vương (là chủ rừng), biết được những bước thực hiện để tổ chức họp thôn phổ biến chủ trương giao khoán bảo vệ rừng tại địa phương mình hay biết cách nhận biết ranh giới, trạng thái khu rừng mà người dân sắp tới sẽ được nhận khoán bảo vệ. Từ đó, có cơ sở cho việc quản lý bảo vệ rừng cộng đồng đạt hiệu quả cao; bên cạnh đó, còn biết cách áp dụng các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp để có thể làm giàu lên từ rừng.

Đại diện các nhóm lên trình bày kết quả thảo luận của nhóm theo câu hỏi đã được giảng viên gợi ý đưa ra. Thông qua các kết quả bảo cáo của các nhóm đã phát huy được tinh thần làm việc tập thể, họ biết tôn trọng ý kiến của các thành viên nêu ra và trưởng nhóm gợi ý để mọi người cùng tranh luận và đưa ra kết quả cuối cùng. Đây là vấn đề không quá xa lạ với mọi người nhưng với nội dung xây dựng quy ước bảo vệ rừng cộng đồng lại là vấn đề hết sức thiết thực, cần phải phát huy tinh thần đóng góp của tập thể để đưa ra bản quy ước cụ thể trình UBND xã Zà Hung phê duyệt thực hiện. Tuy nhiên do đây là vấn đề còn rất mới lạ, nên người dân còn lúng túng, chưa biết cách chủ động trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin với giảng viên để hướng dẫn họ thực hiện tốt trong thời gian sắp đến đối với CLB tại địa phương. Có những vấn đề các thành viên đưa ra còn mang tính Luật tục của địa phương, chưa phù hợp với quy định của pháp luật Nhà nước hiện hành. Vì vậy, trong thời gian đến, cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn CLB  kỹ nội dung này để giúp các thành viên đưa ra quyết định cuối cùng trong bản quy ước bảo vệ rừng cộng đồng phù hợp với phong tục, văn hóa của địa phương và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đối với nội dung kỹ năng soạn thảo văn bản (lập tờ trình, công văn, báo cáo, kế hoạch,…) của CLB để làm việc với các cơ quan, đơn vị và chính quyền các cấp

Nội dung này rất cần thiết với CLB, bởi từ trước đến nay, việc báo cáo các hoạt động của thôn, bản đều do Trưởng thôn thực hiện. Tuy nhiên, khi vấn đề được nêu ra thì mọi người đều nhận biết được sự cần thiết của việc các thành viên cùng góp ý thống nhất nội dung, vấn đề trước khi đưa ra kết quả cuối cùng. Dẫn đến, hiệu quả thực hiện công việc truyền tải nội dung cao hơn, chất lượng đầu tư văn bản có chiều sâu, làm cho người đọc văn bản hiểu được vấn đề người viết nêu ra và phù hợp với quy định của pháp luật và thẩm quyền giải quyết của các cấp.

Theo cảm nhận của mọi người thì văn bản gửi đi đến các cấp có thẩm quyền càng cao thì dễ nhận sự đồng ý hơn. Tuy nhiên, điều ngộ nhận này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật hiện hành vì văn bản đã gửi đi vượt cấp mà không đi theo trình tự thủ tục giải quyết văn bản theo đúng quy định, hay gửi không đúng đơn vị có chức năng, thẩm quyền giải quyết văn bản. Do đó, để nâng cao năng lực cho CLB trong thời gian đến cần có chính sách bồi dưỡng, tập huấn nâng cao khả năng soạn thảo văn bản để CLB biết tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ, đầu tư của các cá nhân, đơn vị cũng như các cấp có thẩm quyền để xây dựng CLB ngày càng vững mạnh, nâng cao được cuộc sống cho các thành viên trong CLB và đi đến mục tiêu là bảo vệ bền vững được vốn rừng hiện có tại địa phương.

Theo đánh giá của đa  số học viên cho rằng sự truyền đạt các nội dung của giảng viên rất phong phú và đa dạng, có hình ảnh minh họa kèm theo hay dẫn chứng mô hình cụ thể, phân tích, đối chiếu so sánh, ví dụ liên hệ thực tế tại địa phương làm cho người học cảm thấy như đang thực hiện ngay tại địa phương mình, điều này làm cho học viên rất dễ nhớ, dễ áp dụng. Còn các học viên được sự thúc đẩy của giảng viên, họ nhiệt tình đưa ra những ý kiến của bản thân mình, trao đổi, chia sẻ những vấn đề giảng viên nêu ra hay mạnh dạn hỏi những vấn đề mà bản thân chưa rõ.

Qua đợt tập huấn này, cho thấy mọi người cần được học tập, trao đổi thông tin để biết cách xây dựng quy ước bảo vệ rừng cộng đồng cho các thành viên trong và ngoài thôn cùng tham gia thực hiện công tác bảo vệ và phát triển RCĐ hay biết cách soạn thảo các loại văn bản cần thiết gửi đến các ngành, các cấp, các đơn vị trong việc kêu gọi sự đầu tư, hỗ trợ để CLB ngày càng phát triển vững mạnh.

 

Ngày 25/ 8/2013, buổi tọa đàm gồm 30 thành viên Câu lạc bộ sử dụng rừng thân thiện môi trường thôn Xà Nghìn I; đại diện 18 hộ gia đình trong thôn Xà Nghìn I (già làng, Công an viên, Bí thư Chi bộ); Chủ tịch UBND xã Zà Hung; cán bộ lâm nghiệp xã và Kiểm lâm phụ trách địa bàn được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng người dân và chính quyền các cấp, các bên liên quan gặp gỡ trao đổi về sự tham gia và phối hợp của các bên trong việc quản lý bảo vệ và phát triển RCĐ. Đồng thời giúp cho các thành viên trong CLB nắm bắt được cách thức truyền đạt và xử lý thông tin trong quá trình quản lý bảo vệ và phát triển RCĐ và trách nhiệm của các bên liên quan.

Trong quá trình trao đổi, thảo luận và hỏi đáp giữa cộng đồng và các bên liên quan để phối hợp thực hiện công tác QLBVRCĐ thôn các ý kiến tập trung và thống nhất vào các vấn đề sau:

Để quản lý bảo vệ có hiệu quả và bền vững RCĐ thì cần có sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng sống gần rừng, có đời sống phụ thuộc vào rừng. Từ lâu, vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng đã được thừa nhận ở nhiều nơi và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nhiều mô hình quản lý RCĐ tuy chưa được pháp luật công nhận nhưng là những mô hình tốt có khả năng giải quyết hài hòa giữa nhu cầu của người dân và sự tồn tại của rừng.

Việc giao rừng cộng đồng còn nhiều bất cập về chủ trương, chính sách và do trình độ nhận thức của người dân địa phương còn nhiều hạn chế, năng lực tổ chức, quản lý rừng của cấp thôn còn yếu. Về cơ chế hưởng lợi từ rừng chưa có sản phẩm cụ thể như khai thác gỗ, lâm sản khác, do rừng giao cho cộng đồng hầu hết là rừng nghèo nên mất nhiều thời gian và kinh phí để cộng đồng có thể hưởng lợi từ khai thác rừng, hưởng lợi phải cần nhiều năm khi rừng đạt trữ lượng khai thác.

Các cộng đồng sau khi được giao quản lý, rừng vẫn bị khai thác, chặt phá và lấn chiếm. Cá biệt có một số cộng đồng rừng còn bị chặt phá nhiều hơn lúc chưa được giao quản lý. Đối với những cộng đồng tạm quản lý rừng theo hỗ trợ của một số dự án, khi dự án kết thúc thì cộng đồng cũng không có trách nhiệm bảo vệ rừng nên rừng vẫn bị xâm hại. Đa số các cộng đồng do xã tạm giao quản lý theo quy ước bảo vệ rừng của thôn, bản dưới sự hướng dẫn và giám sát của lực lượng Kiểm lâm thì cũng bảo vệ chưa tốt diện tích rừng theo quy ước đã cam kết.

Vấn đề phức tạp phát sinh nữa là diện tích rừng nói trên sau khi giao cho cộng đồng đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại do các đối tượng phá rừng trái phép cho rằng cộng đồng khó có khả năng ngăn chặn và xử lý. Đã xảy ra hiện tượng người ngoài vào khai thác trái phép, trong khi đó các cộng đồng chưa thành lập được tổ bảo vệ rừng và chưa được hỗ trợ kịp thời về kinh phí, lực lượng để ngăn chặn và xử lý những trường hợp trên.  

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thực trạng "Cha chung không ai khóc" như đã nói ở trên, các thôn, bản sau khi được giao rừng nhưng không bảo vệ đó là do diện tích rừng giao quá lớn hoặc quá xa khu dân cư, ít ảnh hưởng trực tiếp đến việc phòng hộ cho cộng đồng dân cư.

Nguyên nhân thứ hai là do ý thức bảo vệ rừng của cộng đồng chưa cao, vai trò và uy tín của già làng, trưởng bản chưa được cộng đồng coi trọng, việc tự giám sát lẫn nhau, tự tuân thủ quy ước của cộng đồng về bảo vệ rừng còn thấp. Do tư cách pháp nhân của cộng đồng chưa cụ thể, RCĐ bị phá không thể quy trách nhiệm đối với bất kỳ ai trong cộng đồng nên công tác tổ chức và năng lực bảo vệ rừng để ngăn chặn sự xâm hại từ bên ngoài vào RCĐ chưa được quan tâm. Thực tế hiện nay, Nhà nước chưa có quy định cụ thể về quyền hưởng lợi nếu bảo vệ tốt khu rừng được giao (không tính được lượng tăng trưởng của rừng), dẫn đến cộng đồng chưa được hưởng lợi từ rừng nên họ không mặn mà trong công tác bảo vệ…

Theo ý kiến trao đổi của các thành viên tại buổi tọa đàm cho biết nguyên nhân vì sao một số cộng đồng bảo vệ tương đối tốt diện tích rừng được giao, thì được biết đa số những khu rừng này có vị trí sát khu dân cư với diện tích không lớn, trực tiếp phòng hộ cho thôn, bản như: cung cấp nguồn nước uống, tưới tiêu, ngăn chặn xói lở, rửa trôi, bạc màu đất… Tức là nó có những liên quan trực tiếp tới sự sống còn của cộng đồng dân cư trong khu vực nên họ bắt buộc phải bảo vệ.

Buổi tọa đàm cũng thống nhất là cần có những giải pháp mang tính bền vững cả về cơ chế, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của các bên tham gia như:

Thực tế cho thấy rằng, để nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng cần sự hỗ trợ, giám sát thường xuyên của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm. Để công tác GĐGR cho cộng đồng đạt hiệu quả hơn, trước hết các ngành chức năng cần xem xét phong tục tập quán của các thôn, bản trong sinh hoạt cộng đồng, vị trí và diện tích khu rừng định giao và tầm quan trọng của khu rừng đối với cộng đồng trước khi lập hồ sơ giao rừng cho cộng đồng quản lý.

Xây dựng phương án bảo vệ RCĐ có tính bền vững lâu dài, xem xét ý thức trách nhiệm và năng lực bảo vệ rừng của cộng đồng trước khi quyết định giao rừng, phải hạn chế việc giao RCĐ theo kiểu ồ ạt, chạy theo thành tích mà thiếu cân nhắc hiệu quả sau khi giao.

Trước khi giao rừng cho những cộng đồng thôn, bản, cần phải xây dựng quy ước bảo vệ rừng và có phương án hoặc kế hoạch bảo vệ RCĐ bền vững và lâu dài khi thành lập BQL rừng và tổ chuyên trách quản lý bảo vệ RCĐ.

UBND cấp xã và Kiểm lâm địa bàn cần nêu cao vai trò hơn nữa trong việc quản lý RCĐ, phải thường xuyên nắm bắt thông tin và huy động lực lượng để kiểm tra, truy quét, thu giữ và xử lý vi phạm trong các khu rừng còn giàu tài nguyên đã giao cộng đồng quản lý.

Về phía chính quyền, các ngành chức năng phải làm tốt công tác truyền thông, cung cấp cho người dân những hiểu biết, thông tin thiết thực phục vụ quá trình sản xuất, hướng dẫn để người dân áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Các ngành chức năng, nhất là những ngành tham gia trực tiếp vào quá trình thực thi pháp luật về bảo vệ rừng như Kiểm lâm, Công an phải có chính sách phù hợp nhằm nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ. Cùng với tăng cường về biên chế, các trang thiết bị chuyên dụng phải chú trọng những kỹ năng cơ bản khác như tuyên truyền, vận động nhân dân, kỹ năng về khuyến nông khuyến lâm và các vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ khác. Nhà nước cũng cần có những chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút và khuyến khích cán bộ công chức ngành chức năng gắn bó với địa phương, yêu ngành yêu nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ rừng.

Những giải pháp về kinh tế, xã hội nêu trên với mục đích nâng cao đời sống kinh tế, xã hội cho người dân, giảm dần áp lực của người dân vào rừng, tạo cho người dân thói quen sử dụng các sản phẩm thay thế các sản phẩm truyền thống lâu nay vẫn lấy từ rừng; đồng thời, tạo sự phát triển bền vững cả về mặt sinh thái môi trường cũng như về kinh tế, giúp người dân hưởng lợi từ rừng một cách lâu dài và khoa học.

Trong buổi tọa đàm các thành viên đã đưa ra ý kiến, trao đổi thông tin chia sẻ về những vấn đề thách thức đối với công tác bảo vệ rừng hiện có tại địa phương. Qua trao đổi tình hình quản lý bảo vệ rừng tại thôn tương đối tốt, trước đây có tình trạng người ngoài thôn vào rừng thôn Xà Nghìn I khai thác gỗ trái phép, tuy nhiên việc khai thác này đã bị người dân trong thôn phát hiện và báo cáo với Hạt Kiểm lâm Đông Giang để phối hợp thu giữ khoảng 13m3 gỗ các loại. Hiện nay, tình trạng khai thác gỗ trái phép về cơ bản không còn xảy ra điểm nóng trên địa bàn thôn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người ngoài thôn đến khai thác trái phép gỗ với quy mô nhỏ lẻ, vận chuyển bằng xe máy. Do đó, qua buổi tọa đàm, việc phản hồi thông tin về công tác bảo vệ rừng tại thôn Xà Nghìn I cần có sự quan tâm phối hợp, trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình để giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *