Phong cách sống bền vững trước khủng hoảng kinh tế, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, và Báo Cáo phát triển con người của UNDP, Việt  Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của bến đổi khí hậu. Các vùng đất thấp ven biển, hai vựa lúa là đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long, các vùng núi cao, Tây nguyên, các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… đều là những địa bàn rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.  Sau gần 20 năm kể từ Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về Phát triển bền vững tổ chức ở Rio De Janero, khi cả thế giới cam kết về phát triển bền vững, với sự ra đời của chương trình nghị sự 21, với Công ước khung về biến đổi khí hậu và Công ước về Đa dạng sinh học, một lần nữa, toàn thế giới như bừng tỉnh nhận ra sự cần thiết của phát triển bền vững, phát triển của ngày hôm nay không ảnh hưởng đến thế hệ mai sau. 

 

 

Thế nào là phong cách sống bền vững? Chúng ta có thể làm gì để bảo vê ̣trái đất, ngôi nhà chung cho thế hệ tương lai? Chúng ta có thể làm gì để góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu? Để trả lời những câu hỏi trên, hơn tám ngàn bạn trẻ từ 20 nước trên  thế giới đã nhiệt tình tham gia nghiên cứu khảo sát toàn cầu về phong cách sống bền vững do Ban Công nghệ, công nghiệp và Kinh tế thuộc Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc tổ chức với sự tài trợ của Bộ Môi trường Thụy Điển và Nhóm công tác về Phong cách sống bền vững do Thụy Điển chủ trì.

 

 

Ở Việt Nam, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, hợp tác với các tổ chức Môi trường và các Trường Đại học tham gia Nghiên cứu khảo sát toàn cầu.  Được sự trợ giúp của Chương trình Việt Nam-Thụy Điển về phát triển bền vững về môi trường, C&E hợp tác với các Hội sinh viên, đoàn thanh niên tại một số trường đại học đã sôi nổi tham gia nghiên cứu khảo sát toàn cầu này.

 

Với mục đích tạo sân chơi cho giới trẻ để cùng nhau thảo luận về các vấn đề phát triển bền vững, sản xuất và tiêu thụ bền vững, phong cách sống bền vững, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Những người trẻ tuổi Việt Nam có thể tham gia vào các phong trào phát triển bền vững và nói lên suy nghĩ, nhìn nhận về phong cách sống bền vững.

 

 

Đã có gần 600 bạn lứa tuổi từ 18 đến 35 là sinh viên và các chuyên gia trẻ, chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dành hai ba tiếng đồng hồ thời gian quý giá, để online tham gia trả lời bản câu hỏi khá chi tiết với 32 câu hỏi với nhiều lựa chọn, và cả phần tự luận, như một bài thi tốt nghiệp về môi trường. Với sự tham gia nhiệt tình của các bạn, các bạn đã vượt qua kỳ thi tìm hiểu về phong cách sống bền vững, phong cách sống thân thiện với vôi trường và hướng tới tiêu dùng và sản xuất bền vững, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

 

Trong tháng 3 năm 2009, thông qua sinh họat sinh viên, đoàn thanh niên, hàng ngàn sinh viên các trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp, Ngoại Thương Hà Nội, Kinh Tế Quốc dân và nhóm các tổ chức tình nguyện vì môi trường do Trung Tâm Con người và thiên nhiên đã tham gia thảo luận về phát triển bền vững, tiêu dùng và sản xuất bền vững, phong cách sống bền vững, các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Các thầy cô giáo và các bạn trẻ tổ chức và tham gia diễn đàn rất sôi nổi và sáng tạo, và rất đặc trưng cho mỗi diễn đàn. 

 

 

Diễn đàn mang dáng dấp nghệ sỹ với các đoạn video, bình luận về các phong cách sống và các nền văn hóa với các họa sỹ trường ĐH Mỹ Thuật Công nghiệp; Các bạn muốn học tập người Nhật về sự nghiêm túc trong công việc, học người Đức về sự tiết kiệm, người Pháp lịch sự và mong muốn kết hợp kiến thức của chuyên gia trang trí nội thất, chuyên gia phong thủy và chuyên gia môi trường để sáng tạo ra các không gian thuận lợi cho sức khỏe con người, hòa hợp với thiên nhiên, đẹp và hiện đại.

 

 

Các bạn trường ĐH Ngoại Thương với bốn đội chơi thuyết trình về môi trường và biến đổi khí hậu, giao lưu  ”Sinh viên và phong cách sống bền vững”, các bạn vận động mọi người tham gia hưởng ứng Giờ trái đất vào buổi tối Thứ Bảy, ngày 28 tháng 3 do WWF phát động. Các bạn nhận thấy nguy cơ nước biển dâng do biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam, gây ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân Việt Nam và nền kinh tế.   

 

 

Diễn đàn sản xuất và tiêu dùng bền vững tại trường ĐH Kinh Tế được tổ chức đúng vào ngày thành lập Đoàn 26 tháng 3, là một diễn đàn ấn tượng với sự tham gia của gần 500 sinh viên của ĐH Kinh Tế và ĐH QUốc gia Hà Nội, đại diện của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế và 9 câu lạc bộ môi trường của thanh niên học sinh Hà Nội. Các bạn trẻ và các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận sôi nổi về những nội dung như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, biến đổi khí hậu, nghèo đói và môi trường.  Các ban nhóm 3R Hà Nội đưa ra thông điệp và khuyến khích sử dụng túi thân thiện với môi trường, thay thế cho túi nilon.  Nhà trường cũng nhân dịp này phát động cuộc thi nghiên cứu khoa học “Sinh viên với môi trường và phát triển bền vững”.

 

 

Diễn đàn của các tình nguyện viên vì môi trường, các Câu lạc Bộ môi trường, các nhóm môi trường do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức lại rất gần gũi với thiên nhiên và con người tại Khu bảo tồn Hang Kia-  Pà cò, Hòa Bình.  Các bạn trẻ có cơ hội giao lưu, chia sẻ thông tin và suy nghĩ về tương lai, về xây dựng lối sống hài hoà với thiên nhiên môi trường và góp phần vào sự phát triển bền vững. Các bạn đặt nhiều câu hỏi về văn hóa bản địa và vai trò của cộng đồng trong việc giữ rừng. Buổi giao lưu diễn ra trong bầu không khí ấm cúng với lửa trại và một số tiết mục văn nghệ, trò chơi tập thể. Đèn và hầu hết các thiết bị điện đã được tắt để hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2009. Các bạn cũng thảo luận các câu hỏi trong Bảng câu hỏi của nghiên cứu khảo sát toàn cầu về phong cách sống bền vững và thảo luận về bảo tồn, phát triển kinh tế dựa vào kiến thức bản địa để hướng tới phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo.

 

 

Ngoài ra sinh viên các trường RMIT Hà Nội, Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng sôi nổi tham gia trả lời câu hỏi online của  Nghiên cứu khảo sát toàn cầu.

 

 

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia tự nguyện vào nghiên cứu khảo sát toàn cầu trên mạng Internet.  Kết quả là cơ sở để Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, các quốc gia, các nhà lãnh đạo, các tổ chức đề xuất các giải pháp xanh, các chương trình nâng cao nhận thức, các hành động ngôi nhà chung và vì thế hệ tương lai.  Kết quả của nghiên cứu này sẽ được thảo luận tại các khu vực khác nhau, và sẽ được Chương trình Liên Hiệp Quốc xuất bản tập báo cáo tổng hợp vào đầu năm sau.

 

 

Các bạn trẻ Việt Nam rất quan tâm đến các vấn đề tăng dân số, phát triển kinh tế, các vấn đề ô nhiễm môi trường và các vấn đề xã hội. Các bạn nhận thức được sự cần thiết của phát triển bền vững, nhưng với một nước đang phát triển vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo lại đối mặt với khủng hoảng toàn cầu, tăng trưởng kinh tế, công việc và nhà ở vẫn còn là ưu tiên hàng đầu. Đa số các bạn thu nhận được kiến thức về môi trường và biến đổi khí hậu qua các phương tiện thông tin đại chúng, một số tham gia các tổ chức tình nguyện vì môi trường. Các bạn trẻ Việt Nam mong muốn chính quyền và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội phụ nữ địa phương, tạo điều kiện để người dân tham gia vào các hoạt động  hướng tới phát triển bền vững.

 

 

Nghiên cứu khảo sát quan tâm đến ba chủ đề chính là giao thông, thực phẩm và nhà cửa. 

Phần đa số các bạn trẻ sử dụng xe gắn máy là phương tiện đi lại, thuận tiện và chủ động, mặc dù rất nhiều bạn phàn nàn về khói bụi mù mịt và tắc đường thường xuyên tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ một số nhỏ các bạn sử dụng xe buýt, xe đạp.  Tuy nhiên đa số các bạn mong muốn hệ thống giao thông công cộng được phát triển thuận lợi, đường xá được cải thiện.  Các bạn cũng sẵn sàng sử dụng xe đạp với mô hình Trung tâm xe đạp thuận tiện cho di chuyển những quãng đường ngắn. Các khách bộ hành không được nhường đường ưu tiên, không có hè đường, và tương đối nguy hiểm khi qua đường; những người đi xe buýt còn phàn nàn nhiều vì dịch vụ chưa thân thiện, chậm giờ và bỏ tuyến; cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo gây tắc đường và bụi bặm, ý thức tham gia giao thông của nhiều người còn yếu kém, vẫn còn nhiều người không tuân thủ Luật giao thông… Để giải quyết vấn đề giao thông bền vững, chính quyền và người dân còn phải phấn đấu rất nhiều. Có lẽ bài toán giao thông bền vững, giao thông xanh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là bài toán khó nhất.

 

 

An toàn vệ sinh là vấn đề đa số các bạn quan tâm số một trong các vấn đề liên quan đến thực phẩm. Thực sự vui mừng khi các bạn trẻ vẫn giữ truyền thống- sử dụng các thực phẩm có ích cho sức khỏe, không chạy theo đồ ăn nhanh. Một số bạn có đặt vấn đề giảm thiểu sử dụng túi nilon khi mua sắm tại siêu thị và mua thực phẩm ở chợ- sử dụng túi dùng nhiều lần, túi sinh thái. Rất nhiều bạn lựa chọn kịch bản “Vườn trong phố”- để tăng diện tích cây xanh, và trồng rau trên sân thượng để có rau an toàn, tăng màu xanh, và cũng là cách thư giãn cho người thành phố. Một số bạn ủng hộ ý tưởng đạt mua túi rau quả để có rau sạch và để giúp người nông dân tiêu thụ rau sạch, tuy nhiên kịch bản này không tiện lợi lắm và chưa thích hợp với người nghèo.

 

 

Đa số các bạn trả lời bản câu hỏi trong điều tra khảo sát sử dụng máy tính và internet, truyền hình, điện thoại, tủ lạnh và máy giặt trong gia đình.  Một số bạn có ý thức sử dụng tiết kiệm điện năng và tham gia các hoạt động xã hội. Trong 3 kịch bản- sử dụng chung máy giặt ở khu chung cư, kiểm kê năng lượng sử dụng và ủ phân hữu cơ để giảm thiểu chất thải, hầu hết các bạn trả lời các câu hỏi lựa chọn giải pháp tiest kiệm năng lượng, Chưa nhiều bạn lựa chọn ủ phân hữu cơ, vì ít khả thi hơn.

 

 

Nhìn chung, các bạn mong muốn một cuộc sống đầy đủ vật chất, có sức khỏe, an toàn, vui vẻ, môi trường xanh sạch và lành mạnh- đầy đủ ba yếu tố của phát triển bền vững.  So sánh với cuộc sống của thế hệ ông bà mình, các bạn trẻ đều nhận định hiện nay mình sung sướng, tự do, và tiến bộ hơn nhiều, tuy nhiên các vấn đề khác nảy sinh do dân số tăng nhanh, sức ép công việc và cuộc sống, cạnh tranh hơn, ô nhiễm môi trường…Các bạn trẻ Việt Nam mong muốn hướng tới phong cách sống lành mạnh, lý tưởng sống vì mọi người, có sức khỏe, hạnh phúc, cuộc sống vật chất đầy đủ và cân bằng cuộc sống với công việc, quan tâm đến các vấn đề xã hội, quan tâm đến cộng đồng và đến thế hệ sau. 

 

 

Làm thế nào để hướng tới phát triển bền vững? Mỗi người chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, cân bằng các yếu tố kinh tế, môi trường, và xã hội trong cuộc sống hàng ngày.  Mỗi người hãy hướng tới phong cách sống bền vững, từ tiêu dùng bền vững, sản xuất bền vững.  Chúng ta hãy bắt đầu các chiến dịch truyền thông về môi trường và biến đổi khí hậu , hãy tham gia các Câu lạc bộ, các tổ chức tình nguyện, tham gia các hoạt động vì cộng đồng, vì sự phát triển xanh. Hãy sống hài hòa với thiên nhiên và môi trường xungg quanh, hãy quan tâm và giảm thiểu tác động đến môi trường ở mỗi việc bạn làm. Khi bạn đi du lịch, hãy lựa chọn phương tiện ít phát thải đi ô xít cac bon, hãy giữ sạch các khu danh lam thắng cảnh, hãy tôn trọng văn hóa bản địa…Lúc bạn ở nhà, hãy tiết kiệm điện nước; khi mua thực phẩm lúc nấu ăn, hãy quan tâm đến các rau quả theo mùa tại địa phương mình, hãy thưởng thức ẩm thực một cách thông minh và thân thiện với môi trường- ẩm thực xanh!  Khi ở văn phòng, cơ sở sản xuất, hay cả khi bạn đang thư giãn, hãy luôn quan tâm đến vấn đề môi trường xanh sạch đẹp, quan tâm đến hành tinh xanh của chúng ta, giảm thiểu phát thải, tái sử dụng và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.  Hãy vận động những người xung quanh bạn quan tâm đến vấn đề môi trường. Như vậy bạn đã góp phần vào xây dựng phong cách sống bền vững, hướng tới phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đỗ Thị Huyền, Đặng Ánh Nguyệt, Nguyễn Thanh Thủy, Bùi Thanh Thủy, và Hoàng Thanh Tâm- Nhóm Nghiên cứu khảo sát toàn cầu của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc về phong cách sống bền vững tại Việt Nam

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *