Nâng cao năng lực về quản lý môi trường tại khu di tích danh thắng Yên Tử

 Nhằm nâng cao năng lực và nhận thức của các cấp quản lý ở địa phương về vai trò của cảnh quan môi trường trong công tác bảo tồn di tích đồng thời góp phần  kết hợp giữa bảo tồn di tích với hoạt động bảo vệ môi trường, trong tháng 6 năm 2009, Viện Bảo tồn Di tích phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) và Trung tâm Quản lý Di tích  danh thắng Yên tử đã tổ chức khóa tập huấn nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ môi trư­ờng ở các điểm di sản cho cán bộ thuộc các cơ quan quản lý di tích.

 Bên cạnh mục tiêu bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về quản lý bảo vệ di sản, nâng cao nhận thức thông qua hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành của Trung ương và địa phương cũng như kiến thức về bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, khóa tập huấn còn nhằm giúp cho các nhà quản lý hiểu được tầm quan trọng của môi trường gắn với bảo vệ di sản để từ đó đưa ra được kế hoạch hành động phù hợp với chức năng. Ngoài ra khóa tập huấn còn tập trung vào việc phân tích, đánh giá tác động của hoạt động khai thác di tích và các hoạt động khác lên môi tr­ường, đề xuất các giải pháp để thực hiện công tác bảo vệ môi trường nhằm thỏa mãn cùng một lúc nhiều mục tiêu: đảm bảo sự phát triển kinh tế, văn hóa, công bằng xã hội và thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách trong khi vẫn bảo vệ tốt môi trư­ờng sinh thái.

Các học viên là cán bộ quản lý và cán bộ chuyên trách về công tác bảo vệ môi trường của Trung tâm quản lý di tích danh thắng Yên Tử; công ty Tùng Lâm; cán bộ quản lý của chính quyền 2 xã Phương Đông và Thượng Yên Công – thị xã Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, các nhà sư trụ trì trong chùa Yên Tử …. Thông qua lớp tập huấn, các học viên đã được bổ sung các kiến thức về quản lý di tích, bảo vệ môi trường cảnh quan ở các điểm di tích;  Kiến thức về môi trường, xử lý rác thải, quản lý môi trường;  Các phương pháp áp dụng lồng ghép bảo vệ môi trường với bảo tồn di sản; khuyến khích sự tham gia của người dân, tác động của biến đổi khí hậu tới môi trường và các di sản… Giảng viên của khóa tập huấn là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn như GS. Hoàng Hòe, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, PGS.TS. Vũ Văn Tuấn, nguyên  Phó Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường cùng một số giảng viên thuộc Viện Bảo tồn Di tích và Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường.  Khóa tập huấn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt cũng như sự tham gia nhiệt tình của các cán bộ lãnh đạo của Viện Bảo tồn Di tích, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và  Ủy ban Nhân dân thị xã Uông Bí.

Phương pháp học qua thực nghiệm và lấy người học làm trung tâm là những phương pháp chủ đạo được thực hiện trong khóa tập huấn. Khóa học bắt đầu từ việc phân tích nhu cầu học tập của các học viên, những kinh nghiệm của họ, chương trình học được thiết kế linh động và có thể thay đổi để phù hợp với thực tiễn, tận dụng tối đa kinh nghiệm sẵn có của học viên và tạo ra không khí học tập hào hứng, thoải mái nhưng sâu sắc giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ bài học và có thể vận dụng ngay vào việc lập kế hoạch cho từng cá nhân trong công việc cụ thể của mình. Phương pháp giảng dạy một cách trực quan từ nêu vấn đề đến hệ thống lại kiến thức cơ bản có liên hệ thực tế địa phương nhằm khơi dậy sự hiểu biết và kinh nghiệm trong công tác thực tiễn của học viên và mở rộng ra qua kinh nghiệm của các nước trên thế giới để truyền tải kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm giữa giảng viên và học viên. Qua đó khuyến khích học viên tham gia một cách tích cực và chủ động vào bài giảng thông qua trao đổi, tọa đàm, tranh luận để định hướng giải quyết vấn đề thực tiễn đòi hỏi và hướng dẫn được các học viên phương pháp xây dựng  chương trình hành động cụ thể trong công tác quản lý.

Cuối khóa học các học viên đã áp dụng được phương pháp và kiến thức được truyền đạt để xây dựng được một chương trình hành động cụ thể, điều chỉnh các vấn đề chưa hợp lý, bổ sung các vấn đề còn thiếu của hệ thống văn bản pháp lý cũng như về cơ chế, chính sách  môi trường tại khu di tích danh thắng Yên Tử. Học viên ở nhiều đơn vị,  mặc dù có những yêu cầu công tác khác nhau nhưng đều nhiệt tình tham gia đầy đủ, bảo đảm thời gian học, tích cực thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn qua các hình thức phát biểu, trò chuyện, trao đổi, thảo luận với giảng viên và giữa các học viên với nhau một cách cởi mở, sôi nổi. Khóa tập huấn đã nâng cao được nhận thức và năng lực áp dụng các văn bản pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường gắn với công tác quản lý bảo vệ di sản văn hóa. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của những người làm công tác quản lý nhà nước, quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong khu di tích, gắn nhiệm vụ bảo vệ môi trường với nhiệm vụ bảo tồn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của danh thắng Yên tử.

Đây là lớp học đầu tiên do Viện Bảo tồn Di tích thực hiện nhằm nâng cao năng lực quản lý về môi trường cho các cán bộ quản lý di tích và các bên có liên quan. Quản lý và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác bảo tồn di tích trong cả nước nói chung và Yên Tử nói riêng. Việc mở các khóa tập huấn nâng cao năng lực về quản lý môi trường cho các cán bộ quản lý là hết sức cần thiết và cần được tiếp tục, mở rộng cho các điểm di tích khác nhằm tạo cơ hội cho nhiều đối tượng tham gia hơn như cán bộ quản lý di tích, các nhà tu hành, các cán bộ của các đơn vị có liên quan. Bên cạnh đó, rất cần có sự phối hợp trong công tác tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục về bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích trong cộng đồng tại các khu dân cư, các trường học tại địa phương cũng như  cho các du khách đến di tích qua các hình thức như tập huấn, hội thảo, các chiến dịch truyền thông… Sau một hoặc hai năm thực hiện rất cần có các chương trình đánh giá sự chuyển biến về nhận thức, hành vi và năng lực trong công tác bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản. Để triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác giáo dục truyền thông, nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, bảo vệ môi trường và di sản kết hợp với tăng trưởng sinh kế bền vững cho người dân cần thiết phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý di tích và các tổ chức liên quan để xây dựng và đề xuất các đề án, dự án thông qua việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước.

 

Vài nét về khu di tích danh thắng Yên Tử


Khu di tích danh thắng Yên Tử trải dài 20 km thuộc địa bàn hai xã Phương Đông và Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Hầu hết các Chùa, Am Tháp nằm trong 2686,5 ha rừng của khu di tích có hệ sinh thái đa dạng phong phú của rừng nhiện đới và á nhiệt đới. Núi Yên Tử có độ cao 1068 m so với mực nước biển thuộc cánh cung Đông Triều. Danh sơn Yên tử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vua Trần Nhân Tông và trở thành Trung tâm Phật giáo của Quốc gia Đại Việt. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trở thành  nền tảng tư tưởng dựng nước và giữ nước thời Trần có ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo Việt
Nam sau này. Năm 1974, khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được xếp hạng là một di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Nơi đây, có không gian thiên nhiên bao la kỳ vĩ, quanh năm mây trắng sương mờ che phủ đan xen lúc nắng lúc mưa, khí hậu ẩm ướt, cây Đại, cây Tùng cổ kính với những bộ rễ cây tạo thành đường Tùng, đường Trúc, …ngoài ra cây trúc, sú vẹt,..mọc thành rừng trên những triền núi đá còn dấu tích những vỏ sò, vỏ ốc.

Hồn Tổ quốc ở trong rừng sâu thẳm
Rừng điêu tàn là Tổ Quốc suy vong

 

Rừng từ xa xưa đã gắn bó rất chặt chẽ với đời sống con người. Dân tộc ta từ bao thế hệ đã bảo vệ và sử dụng rừng để đảm bảo nhu cầu cuộc sống về lương thực, thực phẩm, thuốc men, gỗ củi… Rừng tô đẹp cảnh quan đất nước, là nguồn cảm hứng của thơ, ca, nhạc, họa và tín ngưỡng của các dân tộc, nhân dân ta cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm dân gian trong việc sử dụng các sản phẩm của rừng và thích nghi với các điều kiện của vùng rừng núi. Đó là kho tàng văn hóa truyền thống vô giá của các dân tộc sống trên đất nước ta.

Trong buổi lễ Bế mạc lớp Tập huấn, học viên Ngô Ngọc Ảnh -Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Yên Tử đã có bài thơ :

  Bảo tồn Di tích môi trường

 Danh sơn Yên Tử dặm đường ngàn xưa

Đất trời hòa hợp nắng mưa

Rừng xanh núi thẳm đung đưa sắc vàng

Tháp chùa chuông đổ ngân vang

Bóng Tùng bóng Trúc ngỡ ngàng cảnh tiên

Nơi đây gốc tích đạo Thiền

Trúc Lâm Tam Tổ thiêng liêng cõi trần

Đạo Phật sáng tỏ “Pháp Thân”

Tự mình soi sáng tinh thần Thiền Tông

Tụng kinh sắc sắc không không

Tùy duyên vui đạo vun trồng mai sau

Thầy trò gắn kết bên nhau

Dựng xây chốn Tổ tươi màu Trúc Lâm


Tổng hợp: Bùi Thị Thanh Thủy- C&E và Huỳnh Phương Lan- Viện Bảo tồn Di tích

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *