Hải cẩu có ngà giúp nghiên cứu sự biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu kỹ thuật khoa học của Chính phủ Úc (CSIRO) phối hợp với các nhà khoa học Mỹ, Anh và Pháp đã thu thập được những dữ liệu quan trọng từ trung tâm khu vực Nam Băng Dương nhờ sự trợ giúp của 85 con hải cẩu có ngà.

Những con hải cẩu này được gắn một thiết bị cảm ứng vệ tinh đặc biệt có kích thước bằng một chiếc điện thoại cầm tay để gửi đi những tin tức từ Nam Cực. Những thiết bị này sẽ rơi khỏi thân các con hải cẩu này khi chúng thay lông vào mùa hè.

Loại hải cẩu có ngà có thể lặn tới độ sâu 1.500 mét. Trong thời gian từ năm 2004 đến 2005, mỗi con hải cẩu trên đã bơi 65 km/ngày, cung cấp cho các nhà khoa học hàng nghìn dữ kiện về nước đá trong đại dương mà những phao nổi và tầu thám hiểm trước đây không thu thập được, đặc biệt những chi tiết về sự biến đổi luồng nước biển và sự thay đổi nhiệt độ của nước cũng như độ muối trong nước. Những dữ kiện này giúp phác họa các ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu dưới lớp băng Nam Cực.

Ông Mark Hindell, chuyên gia về loài hải cẩu tại Đại học Tasmania cho biết phương pháp khảo cứu trên không gây hại gì cho hải cẩu.

Theo ông Hindell, các nhà nghiên cứu đang dự định sử dụng những loại hải cẩu khác tại các vùng thuộc Bắc Cực và Nam Cực để tìm hiểu sâu hơn sự biến đổi khí hậu vì các vùng cực biến đổi nhanh hơn các vùng khác được xem là những chiếc hàn thử biểu đo sự thay đổi khí hậu Trái Đất./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *