Kết quả triển khai dự án Hợp tác Giáo dục về Biến đổi khí hậu giai đoạn thí điểm (8/2011-5/2012) tại Thừa Thiên Huế

Môi trường xung quanh ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, nếu không có môi trường, các sinh vật trên Trái Đất không thể tồn tại. Hiện nay, môi trường đang bị đe dọa nghiêm trọng nên chúng ta cần bảo vệ nó. Qua những bài học đã biết cách sống xanh: biết cách phân loại rác, tiết kiệm nước; biết năng lượng quan trọng như thế nào đối với cuộc sống của chúng ta: biết mua sắm như thế nào để hợp với túi tiền của mình, đồng thời bảo vệ môi trường; biết cách bảo vệ cây xanh và lợi ích của nó; học chủ đề Quan hệ xã hội, em biết cách cư xử với mọi người. Sau khi học, em biết được rất nhiều điều bổ ích.  – Trích thư của Phan Lê Nhất Anh (THCS Đặng Dung).

Những buổi học của nhóm “sống xanh” giúp cho chúng em hiểu thêm nhiều hơn về ý nghĩa của môi trường. – Trích thư của bạn Phan Thị Thanh Huyền (THCS Quảng Phú).

Qua gần 1 năm giảng dạy tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn trong phương pháp dạy học và học được kiến thức có ích cho công việc của bản thân sau này. Nếu như nói rằng tôi cảm thấy tự hào vì bản thân mình đã góp phần vào việc giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường thì nó thật quá lớn lao. Nhưng chí ít ra tôi cũng góp phần nhỏ bé của mình để giúp cho các em có những hiểu biết và những kĩ năng cơ bản trong việc bảo vệ cuộc sống cho chính bản thân và gia đình mình thông qua mỗi chủ đề học tập – Trích thư của cô giáo Bùi Bảo Ngọc (THCS Nguyễn Chí Diểu)

 

Là người làm công tác giáo dục, tôi nhận thấy chương trình Giáo dục vì sự phát triển bền vững giúp các giáo viên và học sinh mở rộng tầm nhìn đối với từng chủ đề. Những mô hình và phương pháp mới được gặp trong dự án như: mô hình cá heo, vòng xoáy, đàn ngỗng…chưa được gặp trong quá trình giảng dạy đã được giáo viên áp dụng truyền thụ cho học sinh, giúp cả giáo viên và học sinh rèn luyện nâng cao kỹ năng, có tác dụng tốt trong qua trình học các môn ở trường. – Trích thư của cô giáo Nguyễn Thị Mai (trường THCS Quảng Phú- huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế)

Trên đây là những cảm nhận của học sinh và giáo viên tỉnh Thừa Thiên Huế về chương trình Em học sống xanh giai đoạn thí điểm.

Giai đoạn thí điểm dự án “ Hợp tác giáo dục phát triển bền vững” đã được triển khai từ tháng 8/2011 đến 5/2012 tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế có sự phối hợp giữa Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E), Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị, với kinh phí tài trợ của Chương trình Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Kế hoạch Hành động Quốc tế (GAP).

Các hoạt động theo mô hình vòng xoáy thay đổi hành vi, đã tác động đến 72 nhóm sinh thái tại 4 trường của tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm Trường Nguyễn Chí Diểu, Trường Lê Hồng Phong, Trường Đặng Dung, và Trường Quảng Phú. Kết thúc năm học, 70% số học sinh đã có những thay đổi hành vi tích cực theo hướng thân thiện với môi trường. Các em đã biết thêm nhiều thông tin, kiến thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các em đã có ý thức thực hiện các hành động góp phần bảo vệ chính cuộc sống của mình như: nhặt rác, phân loại rác, tiết kiệm điện nước, tái vế những đồ vật bỏ đi, có ý thức khi đi mua sắm, biết quan tâm tới thức ăn và sức khoẻ của bản thân, biết cách giao lưu, phát triển mối quan hệ tốt đẹp với người khác trong cuộc sống. Bên cạnh đó các em cũng đã chia sẻ với bố mẹ về các hành động bền vững  của mình và được sự động viên và hỗ trợ nhiệt tình từ phía cha mẹ để các em có thể thực hiện tốt các hành động ở gia đình. Ngoài ra, kỹ năng học tập của các em cũng được nâng cao, các em đã quen hơn với việc làm nhóm, nắm được kỹ năng đọc lướt, tìm trọng tâm, kỹ năng ghi chép và thuyết trình hay làm người hướng dẫn chủ để.

Chăm sóc cây và Đo đồng hồ nước

Tận dụng ánh sáng mặt trời và tận dụng nước vo gạo để tưới cây

Tắt công tắc điện và trồng cây tại nhà

Trồng rau mầm và ủ phân hữu cơ tại nhà

Đặc biệt, dự án còn tổ chức các chương trình sinh hoạt ngoại khóa cho các em như Ngày hội Tái chế ngày 03/12/2011, liên hoan phim môi trường, gian trại Hành động xanh trong dịp Festival Huế 2012 và trong lễ hội Sóng nước Tam Giang  để các em học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi và thể hiện những gì mình học được trong suốt quá trình tham gia các hoạt động Sống xanh. Với nhiệt huyết của mình, trung tâm C&E tự hào đã nỗ lực đóng góp phần nào vào sự nghiệp giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Ngay sau khi báo cáo tổng kết giai đoạn thử nghiệm, tháng 6, nhóm cán bộ đã tập trung làm việc với chuyên gia, lên kế hoạch chỉnh sửa sách học sinh và đã tiến hành tổ chức tập huấn cho giáo viên tại Huế trong giai đoạn mở rộng. C&E đã tổ chức lớp tập huấn “Giáo dục vì sự phát triển bền vững – Thúc đẩy mô hình thay đổi hành vi – giai đoạn mở rộng 8/2012 – 5/2013”trong hai ngày 14&15/6/2012 tại khách sạn Festival Huế. Khóa tập huấn có sự tham gia của 35 giáo viên và đại diện lãnh đạo nhà trường và 2 phòng giáo dục, các bạn trẻ làm công tác giáo dục của C&E. Trong lần tập huấn này giáo viên mới đã được tiếp cận phương pháp giáo dục tương tác tích cực và truyền cảm hứng của chương trình Em học sống xanh, đồng thời được giáo viên cũ và chuyên gia giáo dục chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình đứng lớp. Sau hai ngày tập huấn giáo viên đã tiếp thu được những kiến thức, phương pháp và kỹ năng cần thiết phù hợp với đặc thù của môn học là giúp các em thay đổi hành vi, kỹ năng và hướng đến hành động bền vững và quan hệ xã hội theo hướng tích cực. Trước khi kết thúc khoá tập huấn,giáo viên đã  đượctrực tiếp dạy thử và cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu giảng dạy.

Hiện tại, các cán bộ dự án của Trung tâm C&E đang gấp rút công cuộc chuẩn bị để bước đầu tiến hành triển khai dự án giao đoạn mở rộng bắt đầu từ tháng 9 năm 2012 đến tháng 5 năm 2013. Trong giai  đoạn mở rộng sẽ có thêm 3 trường ở Thừa Thiên Huế THCS Hàm Nghi và trường THCS Phạm Văn Đồng (TP Huế) và THCS Quảng Vinh (huyện Quảng Điền), đặc biệt còn có sự tham gia của 1 trường ở huyện Tiền Hải – Thái Bình (THCS Nam Hưng). 

Thông qua dự án Hợp tác Giáo dục Biến đổi về khí hậu, Trung tâm C&E mong muốn mỗi giáo viên và các bạn trẻ làm công tác giáo dục sẽ là cầu nối truyền tải và lan tỏa những thông điệp, hành động hướng tới lối sống bền vững  tới các em học sinh và cộng đồng để từ đó các em cũng sẽ trở thành những người đồng hành. Đồng thời qua đó tạo được mạng lưới hợp tác và chia sẻ giữa lãnh đạo phòng giáo dục và nhà trường, thày cô giáo, học sinh, phụ huynh, những người làm công tác giáo dục, và cơ quan truyền thông sẽ cùng nhau hỗ trợ sự nghiệp giáo dục vì sự phát triển bền vững.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *