Truy tìm sinh thái 2016 – Chương trình đầu tiên về lối sống sinh thái dành riêng cho các tập huấn viên tại Việt Nam

ce2

25 học viên đến từ các địa phương, ngành nghề khác nhau đã cùng học tập, chia sẻ và trải nghiệm các phương pháp tập huấn Lối sống sinh thái trong chương trình mang tên “Truy tìm sinh thái – Finding Eco” tại xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam. Sau 4 ngày tập huấn, mỗi người đều có những cảm xúc, trăn trở khác nhau nhưng cuối cùng tất cả đều có được một góc nhìn đa dạng và cụ thể hơn về việc làm thế nào để truyền tải thông điệp lối sống sinh thái đến gần hơn với cuộc sống cá nhân hàng ngày, hay rộng hơn, tới cộng đồng.

Khóa tập huấn “Truy tìm sinh thái – Dành cho tập huấn viên” (Finding Eco) do Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) tổ chức, đã chính thức kết thúc sau 4 ngày diễn ra (28/07 – 31/07/2016) tại xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam. 25 học viên là những cá nhân đang làm việc trong lĩnh vực giảng dạy hoặc đang công tác trong các tổ chức/trường học có khả năng, kinh nghiệm tổ chức sự kiện và các hoạt động cộng đồng. Họ đã có khoảng thời gian học tập, chia sẻ và trải nghiệm về các chủ đề của Lối sống sinh thái, các mô hình bền vững. Đặc biệt hơn, các bạn còn được học các phương pháp mới trong việc truyền tải Lối sống sinh thái vào các hoạt động hay áp dụng vào bài giảng của mình trong tương lai.

Tính Dấu chân sinh thái
Tính Dấu chân sinh thái

Ngoài ra, các học viên còn cùng nhau kể câu chuyện cuộc đời mình thông qua hình vẽ và màu sắc. Trong câu chuyện, các bạn cũng chia sẻ về thời điểm tiếp cận các kiến thức môi trường cũng như khi nào các bạn nhận thấy mình thực sự quan tâm đến nó và mong muốn thay đổi Lối sống để môi trường tốt đẹp hơn.

Chia sẻ câu chuyện cuộc đời
Chia sẻ câu chuyện cuộc đời

Không dừng lại ở đây, các học viên còn được trực tiếp tiếp cận với thực tiễn thông qua hình thức trải nghiệm một số mô hình bền vững tại Hội An như vườn rau hữu cơ Thanh Đông, cơ sở sản xuất mỹ nghệ từ tre Tâboo Bamboo…

Tại vườn Thanh Đông – vườn rau hữu cơ đầu tiên tại Hội An, các học viên đã được trao đổi trực tiếp với những bác nông dân về cách thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Bác Mèo – trưởng nhóm nông dân tại vườn rau Thanh Đông chia sẻ về ý tưởng và quá trình xây dựng vườn rau
Bác Mèo – trưởng nhóm nông dân tại vườn rau Thanh Đông chia sẻ về ý tưởng và quá trình xây dựng vườn rau

Bên cạnh đó, các bạn còn tự đúc kết cho mình những hoạt động có thể được áp dụng sau chương trình từ những thông tin thu được tại vườn rau.

Chia sẻ các hoạt động có thể áp dụng từ thông tin thu được
Chia sẻ các hoạt động có thể áp dụng từ thông tin thu được
Còn tại Cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre Tâboo Bamboo, các bạn đã gặp gỡ và tìm hiểu thêm về mô hình sản xuất bền vững dựa trên nguồn lực địa phương từ anh Võ Tấn Tân – chủ cơ sở. Anh Tân cũng chia sẻ về tính chất, tác dụng và những điều kì diệu mà cây tre có thể mang lại cho con người.
Không những vậy, anh còn hướng dẫn các học viên trực tiếp thực hiện một sản phẩm mỹ nghệ làm
Anh Võ Tấn Tân – chủ của Taboo Bamboo hướng dẫn các bạn học viên
Anh Võ Tấn Tân – chủ của Taboo Bamboo hướng dẫn các bạn học viên

Hơn thế nữa, việc gặp gỡ và trao đổi với các diễn giả và chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức tập huấn cũng giúp các bạn học viên có thêm được những kiến thức về các phương pháp mới, thiết thực hơn trong việc áp dụng vào trong chính cộng đồng của mình. Trong khóa tập huấn, các học viên được tiếp cận với “Mô hình vòng xoáy thay đổi hành vi”. Đây là một lý thuyết mới và vô cùng hữu ích giúp các bạn trẻ có thể áp dụng trong việc tổ chức các buổi tập huấn về Lối sống sinh thái sau này của mình. Lý thuyết này được giới thiệu bởi chị Đặng Hương Giang, giám đốc Trung Tâm Hành Động Vì Sự Phát Triển Đô Thị (ACCD). Với bề dày kinh nghiệm tổ chức các hoạt động cộng đồng, chị Giang đã mang tới cho các bạn một cách tiếp cận mới trong việc xây dựng bài học hướng tới sự thay đổi hành vi của người tham gia.

Chị Đặng Hương Giang chia sẻ về “Mô hình vòng xoáy thay đổi hành vi”
Chị Đặng Hương Giang chia sẻ về “Mô hình vòng xoáy thay đổi hành vi”

Ngoài ra, các học viên còn được học cũng như lắng nghe chia sẻ, góp ý từ chị Nguyễn Thùy Linh – Giám đốc Trung tâm Nâng cao Năng lực Cộng đồng (CECEM) trong phương pháp “Học qua trải nghiệm”.

Việc xây dựng dự án hay bài giảng bằng việc áp dụng đúng quy trình thiết kế bài học sẽ giúp cho việc truyền tải thông điệp chính xác tới đối tượng mà khóa tập huấn hướng tới. Phương pháp “Học qua trải nghiệm” cũng là một phương pháp mới và dễ áp dụng trong việc đưa kiến thức Lối sống sinh thái vào trong hoạt động hay các bài giảng của các học viên trong tương lai.

Chị Nguyễn Thùy Linh chia sẻ phương pháp “Học qua trải nghiệm”
Chị Nguyễn Thùy Linh chia sẻ phương pháp “Học qua trải nghiệm”
Kết thúc chương trình, mỗi bạn đều có trong mình những cảm xúc riêng. Anh Khổng Tuấn Anh – cán bộ truyền thông Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững cho biết điều anh cảm thấy ấn tượng nhất trong khóa tập huấn là phương pháp mà ban tổ chức đưa ra để các bạn học viên có thể tiếp cận được. Còn anh Nguyễn Hoàng Giang – phó bí thư Đoàn trường Ngoại ngữ Đại học Quốc gia thì chia sẻ rằng anh đã có một khoảng thời gian vô cùng đáng nhớ tại Hội An, những kiến thức học được thật sự thú vị và ngay khi về nhà sẽ áp dụng nó vào các hoạt động trong tương lai.
Bài viết: Minh Nguyệt
Ảnh: Việt Trung, Khánh Linh

Khóa tập huấn được tổ chức bởi Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) nằm trong khuôn khổ dự án “Hợp tác hỗ trợ và phát triển giáo dục không chính thức và không chính quy nhằm vận động lối sống sinh thái, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu tại các trường đại học Việt Nam” do Viện Rosa Luxemburg Stiftung (RLS) vùng Đông Nam Á phối hợp thực hiện tại Việt Nam.

Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E)
Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. C&E hoạt động nhằm thúc đẩy sự tham gia cũng như tăng cường năng lực cho các tổ chức/nhóm cộng đồng để giải quyết tốt hơn các vấn đề môi trường liên quan đến cuộc sống của chính họ và cộng đồng, góp phần phát triển xã hội dân sự và phát triển bền vững môi trường ở Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *