Tập huấn nâng cao năng lực quản lý bền vững rừng tự nhiên cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam

Quản lý rừng cộng đồng đang trở thành một phương thức quản lý rừng có hiệu quả được quan tâm, khuyến khích phát triển. Đến nay Việt Nam đã có khung pháp lý và chính sách cơ bản cho phát triển lâm nghiệp cộng đồng nhưng trong thực tế tài nguyên của các diện tích rừng này vẫn tiếp tục bị xâm hại do điều kiện kinh tế xã hội của người dân còn nhiều khó khăn trong khi họ chưa thực sự được hưởng lợi từ rừng, chưa nắm rõ và hiểu biết những quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia quản lý rừng cộng đồng.

 

Vì vậy, với mục tiêu  nâng cao nhận thức về trách nhiệm và quyền hợp pháp đối với rừng cộng đồng, phát triển kỹ năng làm việc nhómlập kế hoạch có sự tham gia nhằm quản lý bền vững rừng tự nhiên cho cộng đồng dân tộc thiểu số, Trung tâm C&E đã phối hợp cùng các đối tác tiến hành tổ chức 4 lớp tập huấn tại 4 xã vùng dự án Thượng Lộ, Thượng Nhật huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế và xã ZaHung, TaLu huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong các hoạt động thuộc khuôn khổ dự án Quản lý bền vững rừng tự nhiên thông qua nâng cao nhận thức và năng lực để cải thiện việc sử dụng quyền và địa vị pháp lý của người dân tộc thiểu số đối với rừng tự nhiên ở miền trung Việt Nam giai đoạn 2012-2014 – Năm 2012do trung tâm C&E phối hợp với Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thực hiện với sự hỗ trợ tài chính từ Viện Rosa Luxemburg Stiftung (RLS).

 

Đã có 63 người dân tại các xã Thượng Lộ, Thượng Nhật huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế và 67 người tại các xã ZaHung, TaLu huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam được tham gia tập huấn. Học viên là đại diện cộng đồng và thành viên tổ quản lý bảo vệ rừng,  đại diện lực lượng nòng cốt hay những người có uy tín trong thôn (già làng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Phụ nữ,  thanh niên…), một số học viên là các cán bộ xã tích cực có liên quan và tham gia quản lý rừng cộng đồng như phó chủ tịch HĐND xã, cán bộ văn phòng UBND xã, mặt trận xã, cán bộ lâm nghiệp, cán bộ địa chính, hội phụ nữ, hội nông dân, ban văn hóa thông tin, đoàn thanh niên… Giảng viên là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn cũng như kiến thức về các phong tục, tập quán của người dân địa phương, am hiểu về chuyên môn, các chính sách của nhà nước về lâm nghiệp. Với phương pháp tập huấn phù hợp với người dân địa phương các giảng viên đã tạo được môi trường thân thiện giữa giảng viên và học viên làm cho không khí lớp học luôn sôi nổi, học viên hứng thú, tích cực tham gia học, thảo luận và mạnh dạn đề nghị giảng viên giải thích thêm để họ hiểu rõ vấn đề mà họ còn băn khoăn.

 

Các lớp tập huấn bước đầu đã đạt được một số kết quả như mục tiêu mong đợi. Hầu hết các học viên đều nắm được những kiến thức và kỹ năng được học cũng như những nội dung chủ yếu về các quyền sử dụng đất, rừng; quyền và trách nhiệm của người dân, của các cấp chính quyền và ban ngành liên quan về quản lý rừng cộng đồng theo quy định của pháp luật. Trước khi tham gia lớp tập huấn có rất nhiều người dân đang quản lý rừng cộng đồng không biết mình có quyền được khai thác gỗ hoặc lâm sản ngoài gỗ theo quy định, hoặc được sản xuất nông lâm nghiệp trên đất rừng cộng đồng,….

Các nội dung thảo luận nhóm đã đáp ứng mục tiêu vừa là bài tập để học viên thực hành những kiến thức đã học vừa là vấn đề thiết yếu của hoạt động quản lý bảo vệ rừng cộng đồng để thảo luận, tìm ra giải pháp giải quyết. Học viên đã biết cách tổ chức hoạt động theo nhóm, nắm các kỹ năng làm việc theo nhóm, tổ chức xây dựng các hoạt động của nhóm để lập kế hoạch tuần tra, quản lý bảo vệ, phát triển rừng có hiệu quả đối với những diện tích rừng tự nhiên hiện có nói chung và tại địa phương nói riêng. Bên cạnh đó các học viên đều nêu ra được một số Luật tục tại địa phương mình, biết cách xây dựng Hương ước (quy ước) bảo vệ rừng cộng đồng và biết cách dựa trên những Luật tục tại địa phương cũng như quy định của luật pháp để có sự lựa chọn thực hiện một cách toàn diện hơn.

Các học viên đều mong muốn Trung tâm C&E trong thời gian tới tổ chức nhiều lớp tập huấn hơn nữa để người dân có thêm kiến thức và kỹ năng để quản lý bảo vệ rừng tốt hơn

Một số hình ảnh của các lớp tập huấn

 Thừa Thiên Huế

 

Quảng Nam 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *