Chương trình Đổi túi Nilon tại trường THCS Đặng Dung

Đúng như tên gọi “Túi Nilon – Hiểm họa của Môi trường và Sức khỏe”, buổi lễ đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và giúp đỡ của các lãnh đạo huyện Quảng Điền, các ban ngành, hiệp hội, đặc biệt là những người dân bản địa sinh sống tại thị trấn Sịa. Dù trời mưa song buổi lễ vẫn diễn ra trong một bầu không khí sôi nổi và náo nhiệt. Buổi lễ đã mang đến cho người dân những kiến thức cần thiết về sự nguy hiểm và tác hại của túi nilon không những về sức khỏe, đời sống của con người mà còn về môi trường, dù từ trước tới nay, túi nilon đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Thông qua đó, người dân đã hiểu được tác hại và mối nguy hiểm của túi nilon từ đó sẽ hạn chế việc sử dụng túi nilon và việc thải túi nilon ra môi trường.

Một hoạt động quan trọng khác của buổi lễ là hoạt động “Đổi húi sinh thái” được tiến hành bởi các cán bộ của Trung Tâm C&E. Tại buổi lễ, các cán bộ của Trung tâm C&E đã giới thiệu tới các đại diện lãnh đạo huyện, các ban ngành, hiệp hội và đặc biệt là người dân địa phương về “túi sinh thái” và tác dụng của loại túi này. Với những tính năng ưu việt, có thể dùng lại nhiều lần, dễ dàng thuận lợi trong việc sử dụng và được làm từ những chất liệu thân thiện với môi trường, túi sinh thái đang trở thành một người bạn không thể thiếu của con người trong đời sống hằng ngày và với môi trường. Các cán bộ của Trung tâm C&E đã hướng dẫn sử dụng đồng thời trao tặng  và phát túi sinh thái cho các lãnh đạo, đại diện các ban ngành và đông đảo người dân tại thị trấn Sịa. Ngoài ra, tại gian hàng của Trung tâm C&E, các cán bộ dự án cũng mang đến buổi lễ rất nhiều túi sinh thái, túi giấy, huy hiệu, sổ tay để đổi lấy các túi nilon, giấy vụn, chai lọ mà các em học sinh THCS Đặng Dung thu thập và khuyến khích các em dùng túi sinh thái, cùng tham gia bảo vệ môi trường sống tại địa phương.

Cũng nằm trong nội dung của buổi Lễ, chương trình “Em học sống xanh” thuộc Dự án Hợp tác Giáo dục về BĐKH cũng được giới thiệu tới toàn thể các đại diện địa phương, các thày cô giáo tại trường THCS Đặng Dung. Dự án do Trung tâm C&E, Trung tâm ACCD đồng thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Kế hoạch hành động toàn cầu GAP, tài trợ bởi Chương trình hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển SIDA. Được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, có sự học hỏi và tham khảo từ hơn 25 quốc gia khác nhau, chương trình EHSX đã và đang trở thành một chương trình lý thú cho các em học sinh. Thông qua những chủ đề thiết thực như Rác, Nước, Năng Lượng, Quan hệ Xã hội…, EHSX đã cung cấp cho các em những giờ học bổ ích, những kiến thức cần thiết và những hoạt động thú vị cũng như một môi trường học tập, thực hành năng động, gần gũi với thực tế. Mục đích của chương trình là thông qua việc thay đổi các hành vi hàng ngày, học sinh (qua đó lan tỏa đến phụ huynh và cộng đồng) sẽ góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và hướng đến sự phát triển bền vững. Dự án hiện đang được tiến hành tại 16 trường THCS tại các thành phố Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Thái Bình và đang tiến hành mở rộng tại hai thành phố Đà Nẵng và Hội An.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *