“Thực trạng và Thách thức” trong xây dựng năng lực quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam

Việt Nam đã có hơn một thập kỷ thực hiện giao rừng tự nhiên cho dân quản lý. Nhìn lại có đến hàng trăm mô hình khắp toàn quốc, giao cho cộng đồng, giao cho nhóm hộ và giao cho từng gia đình. Tương tự cũng ước chừng có đến hàng trăm cuộc hội thảo như thế trăn trở mổ xẻ, phân tích và hiến kế. Ai cũng thừa nhận, rừng tiếp tục bị xâm hại nếu như người chủ (người dân) chưa thực sự hưởng được lợi từ rừng và thiếu trí thức, sinh kế bền vững. Việc nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng và các bên về việc tiếp cận các quyền trong quản lý bảo vệ rừng, các chính sách, pháp luật liên quan đóng vai trò quan trọng không kém sau khi giao đất giao rừng. Trong khuôn khổ của dự án “Xây dựng năng lực quản lý rừng dựa vào cộng đồng: tiếp cận dựa trên quyền tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam” do Viện Rosa Luxemburg Stiftung (RLS) tài trợ, trung tâm C&E đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp và Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam tổ chức hai hội thảo tại tp. Huế và tp. Tam Kỳ vào tháng 10 và 11. Mục đích của hai hội thảo này nhằm chia sẻ thông tin và bài học kinh nghiệm về kết quả đào tạo và xây dựng năng lực quản lý rừng dựa vào cộng đồng của dự án với các cấp có thẩm quyền ở xã, huyện, tỉnh và các bên liên quan tại địa phương tham gia dự án. Từ đó xây dựng sự hợp tác giữa các bên cũng như đề xuất những kiến nghị và giải pháp phù hợp để phát triển mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012 – 2014. 

Hội thảo tại Thừa Thiên Huế đã diễn ra vào ngày 14. 10. 2011 tại khách sạn Festival Huế với sự tham dự của 52 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành địa phương trong tỉnh như Văn phòng tỉnh ủy, Sở NN&PTNT, Sở TNMT, Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm,… UBND huyện Nam Đông và huyện Phong Điền, UBND 04 xã vùng dự án cùng đại diên cộng đồng. Ngoài ra còn có sự tham gia của một số tổ chức phi chính phủ như trung tâm CORENARM, trung tâm CSRD, WWF, Đại học Nông Lâm và các cơ quan báo đài tại địa phương. Đặc biệt tham dự hội thảo còn có bà Nadja Charaby – Giám đốc văn phòng đại diện RLS tại Việt Nam.

Sau khi nghe “Báo cáo kết quả đào tạo xây dựng năng lực quản lý rừng dựa vào cộng đồng của dự án tại Thừa Thiên Huế” của ông Phạm Ngọc Dũng, ủy viên thường vụ Hội KHKT lâm nghiệp tỉnh và bài tham luận “Nâng cao năng lực quản lý rừng dựa vào cộng đồng: Thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức và giải pháp khắc phục” của ông Nguyễn Trọng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đã có hơn 10 ý kiến đóng góp cho hội thảo của các đại biểu. Các ý kiến đã tập trung phân tích, chia sẻ thông tin và bài học kinh nghiệm về kết quả đào tạo, xây dựng năng lực quản lý rừng cộng đồng của Dự án với các cấp có thẩm quyền ở xã, huyện, tỉnh và các bên liên quan tại địa phương tham gia dự án. Đồng thời cũng đề xuất những kiến nghị và giải pháp phù hợp để phát triển mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng giai đoạn tới tại Thừa Thiên Huế như lồng ghép các mô hình sinh kế để lấy ngắn nuôi dài kết hợp với việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho lâm sản sản xuất trên đất rừng do người dân quản lý, vận động tăng cường sự quan tâm của các cấp các ngành đối với công tác giao đất giao rừng bằng những hành động cụ thể, lồng ghép các nguồn lực đầu tư của nhà nước, của người dân và các tổ chức khác trong giao đất giao rừng. Bên cạnh đó cần đánh giá tổng thế việc giao đất giao rừng để củng cố, chuẩn hóa quy trình giao đất giao rừng phù hợp với từng địa phương. Từ đó xác lập quyền quản lý, sử dụng rừng hợp pháp cho cộng đồng. Cũng tại hội thảo các đại biểu nhất trí rằng cách tiếp cận của Trung tâm C&E về phát huy quyền của người dân trong quản lý rừng cộng đồng là rất hợp lý cần được tiếp tục thực hiện và nhân rộng mà mô hình tại thôn Phú Mậu, huyện Nam Đông là một ví dụ điển hình. Hội thảo cũng đề nghị Trung tâm C&E tổ chức thêm nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo, tham quan học tập để giúp nâng cao năng lực quản lý rừng cho cộng đồng ở 4 xã tham gia hội thảo nói riêng và các xã khác của huyện Nam Đông và Phong Điền nói chung.

Hội thảo tại Quảng Nam đã diễn ra vào ngày 21- 22 tháng 11 năm 2011 tại khách sạn Hùng Vương thành phố Tam Kỳ. Tham dự hội thảo có 47 đại biểu đến từ các ban ngành của tỉnh Quảng Nam như Chi cục Kiểm lâm, Văn phòng tỉnh ủy, Sở NN&PTNT, Sở TNMT, khu BTTN Sông Thanh,…UBND các huyện, xã và đại diện người dân trong vùng dự án…cùng các phóng viên đến từ các cơ quan thông tin đại chúng địa phương. Sau khi nghe các báo cáo và tham luận, các vị đại biểu đã đóng góp rất nhiều ý kiến. Các ý kiến đều tập trung vào việc làm thế nào để quản lý rừng cộng đồng tại địa phương ngày một hiệu quả hơn như tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân nhiều ngày và nhiều lần hơn, phạm vi tập huấn cần mở rộng hơn, nên có mô hình cụ thể và đặc biệt là cần sớm tổ chức hội thảo tại địa phương có mời các chuyên gia và nhà quản lý cấp trung ương đến để tư vấn giúp Quảng Nam có được nhiều cách thức bảo vệ rừng tốt hơn. Sau hội thảo, 23 đại biểu đại diện đã đi tham quan học hỏi mô hình thực tế về quản lý rừng cộng đồng tại thôn Phú Mậu, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đoàn đại biểu đi tham quan đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay và đều nhất trí rằng mô hình ở Phú Mậu hoàn toàn có thể áp dụng tại Quảng Nam tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế ở địa phương.

Một số hình ảnh của hội thảo tại tp. Huế


 

Một số hình ảnh của hội thảo tại tp. Tam Kỳ

 

Ảnh thực địa của đại biểu tỉnh Quảng Nam tại Nam Đông – Thừa Thiên Huế

 

VP C&E

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *