Thực trạng và một số giải pháp hỗ trợ tiến trình giao đất giao rừng tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế

Với mục đích nâng cao nhận thức và năng lực sử dụng quyền và trách nhiệm trong quản lý rừng cộng đồng cho người dân tộc thiểu số và được sự tài trợ của tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung (RLS), Trung tâm C&E đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, triển khai dự án “Quản lý bền vững rừng tự nhiên thông qua nâng cao nhận thức và năng lực để cải thiện việc sử dụng quyền và địa vị pháp lý của cộng đồng dân tộc thiểu số đối với rừng tự nhiên ở miền trung Việt Nam (2012 – 2014)”.

Trong năm thứ 2 thực hiện dự án đã thu được những kết quả tốt đẹp và hội thảo“Thực trạng và một số giải pháp hỗ trợ tiến trình giao đất giao rừng tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế” do Trung tâm C&E phối hợp với các đối tác địa phương  tổ chức tại thành phố Tam Kỳ với mong muốn trao đổi và chia sẻ thông tin về thực trạng giao đất giao rừng tại 2 tỉnh dự án, những kết quả và bài học kinh nghiệm về việc nâng cao nhận thức và năng lực cho các thành viên của 2 câu lạc bộ sử dụng rừng thân thiện với môi trường của dự án với người dân, các cấp quản lý và các bên liên quan nhằm vận động cho mô hình quản lý và sử dụng rừng bền vững tại địa phương.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 60 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành địa phương 2 tỉnh như lãnh đạo Ban dân tộc, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Sở NN&PTNN, Sở TNMT, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục quản lý đất đai; Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư tỉnh… cùng lãnh đạo UBND 4 huyện Đông Giang, Tây Giang, Phong Điền, Nam Đông, Phòng TNMT Tây Giang và Hạt Kiểm lâm của 04 huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang và Nam Đông. UBND 3 xã Tà Lu và Za Hung (Nam Đông) và xã Phong Mỹ (Phong Điền) và đại diên thành viên Câu lạc bộ sử dụng rừng thân thiện môi trường thôn Xà Nghìn I (Quảng Nam) và Ban quản lý rừng cộng đồng bản Khe Trăn (TT-Huế). Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện một số tổ chức như tổ chức Malteser international tại Việt Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền; Hội KHKT Lâm nghiệp Thừa Thiên Huế. Hội thảo cũng đã có sự tham dự và đưa tin của phóng viên Báo Quảng Nam. Đặc biệt tham dự hội thảo còn có ông Nguyễn Văn Tùng – cán bộ quản lý dự án của văn phòng đại diện RLS tại Việt Nam.

 Các đại biểu đến dự hội nghị

Đã có 6 bài tham luận được trình bày tại hội thảo với nội dung xoay quanh vấn đề giao đất giao rừng và kinh nghiệm hoạt động của các câu lạc bộ sử dụng rừng. Bài tham luận của ông Nguyễn Hữu Huy – Chi cục Lâm nghiệp Thừa Thiên Huế đã đánh giá việc thực thi các văn bản pháp lý về giao rừng tự nhiên cho cộng đồng tại Thừa Thiên Huế và nêu bật địa vị pháp lý cũng như vai trò của cộng đồng dân cư thôn trong quản lý rừng đã từng bước được pháp luật thừa nhận qua 3 giai đoạn. Tham luận  do Ông Lê Quốc Bảo – Phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Tây Giang trình bày đã cho thấy GĐGR có sự tham gia của người dân và các bên liên quan đang là một giải pháp tốt, mang lại hiệu quả cao cho công tác này trên địa bàn huyện Tây Giang.

 

Báo cáo kết quả nghiên cứu rà soát các văn bản pháp lý liên quan đến tiến trình GĐGR tại 2 tỉnh Quảng Nam và TT-Huế của Trung tâm C&E nêu lên những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn tồn tại trong quá trình giao đất giao rừng trên địa bàn 2 tỉnh. Đồng thời cũng chỉ ra những cập cần chỉnh sửa và đề xuất phương hướng giải quyết trong các văn bản pháp luật để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của hoạt động GĐGR tại Việt Nam.

Ba báo cáo hoạt động của hai đối tác dự án (Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và Hội KHKT lâm nghiệp Thừa Thiên Huế) và Ban quản lý dự án Malteser tại huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam tập trung vào kết quả và bài học kinh nghiệm trong việc nâng cao nhận thức và năng lực cho các thành viên câu lạc bộ/Ban quản lý RCĐ để từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ này. Cuối cùng, lãnh đạo Trung tâm C&E đã tổng kết các hoạt động dự án năm 2013 để đánh giá mức độ thành công của hoạt động  tại 2 tỉnh và đề xuất kế hoạch và sự hợp tác với các bên trong năm tiếp theo 2014.

Kết quả thảo luận của đại biểu tập trung phân tích, bình luận những bất cập, tồn tại về cơ chế, chính sách của nhà nước trong vấn đề giao đất giao rừng cho cộng đồng; những khó khăn, thách thức của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng được giao, một số vấn đề liên quan đến các chính sách hỗ trợ cho các cộng đồng sau khi nhận quản lý bảo vệ rừng tự nhiên và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm sở thích quản lý sử dụng rừng bền vững.

Các đại biểu tham dự hội thảo nhất trí, đánh giá rất cao kết quả các hoạt động của Dự án. Theo lời ông Nguyễn Khắc Tưởng – Phó trưởng ban dân tộc tỉnh Quảng Nam “Rừng tự nhiên ở Quảng Nam có gần 400.000ha tâp trung ở vùng núi cao nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng công tác tuyên truyền ở đây còn rất thiếu, dự án của trung tâm C&E đã triển khai rất nhiều hoạt động truyền thông về quản lý rừng cộng đồng tại những vùng này là rất tốt và có ý nghĩa”. Còn theo ý kiến đánh giá của ông Nguyễn Văn Múa – Chủ nhiệm Ban quản lý RCĐ bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ, Phong Điền, TT-Huế “Từ khi được dự án hỗ trợ thì các thành viên và người dân đã hiều biết nhiều hơn về quyền và nghĩa vụ của mình khi nhận quản lý bảo vệ 198,7 ha rừng tự nhiên, hoạt động của BQLRCĐ đã đi vào chiều sâu, quỹ quản lý bảo vệ rừng tăng lên và đã tạo được động lực cho người dân quản lý BVR”.

Các đại biểu đã cùng nhau thống nhất đề xuất một số ý kiến và giải pháp cụ thể, phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động GĐGR tại địa phương cũng như sự tham gia của các bên liên quan để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình này. Ông Đỗ Tài – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang đã chia sẻ “Từ tháng 8 năm 2012 đến nay đã triển khai giao rừng cho các nhóm hộ gia đình ở 7 thôn xã Ma Coi gần thủy điện A Vương theo nghị định 99 – chi trả dịch vụ môi trường rừng và người dân tuy chỉ được hưởng lợi là 274.000đ/ha nhưng rừng ở đây đã được bảo vệ rất tốt”. Các giải pháp và kiến nghị của hội thảo sẽ được gửi đến các bên liên quan các cấp và cũng là đầu vào cho những hoạt động trong năm 2014 của dự án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *