Thư mời tham gia và viết bài cho hội thảo: Quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân

Mặc dù đã có nhiều chính sách và thể chế cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, nhưng rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá bởi nhiều lý do khác nhau. Bởi vậy, sự tham gia của người dân trong việc bảo vệ rừng tự nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng bên cạnh các nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước.

Từ những năm 90 Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách liên quan đến quyền tiếp cận, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên rừng của người dân và đặc biệt là từ khi có nghị định 02 của Chính phủ thì đã có ngày càng nhiều người dân và các hộ gia đình tại các địa phương tham gia nhận khoán đất và rừng tự nhiên của Nhà nước để quản lý và bảo vệ. Đã có một số mô hình quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân được triển khai ở một số địa phương và được hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức nước ngoài để thúc đẩy quá trình này và đã đạt được một số kết quả đáng kể. Tuy nhiên việc triển khai các chính sách và thực hiện các mô hình này ở nhiều địa phương cho đến nay vẫn còn tồn tại những vấn đề bất cập, các qui định của Nhà nước còn chưa rõ và chưa đầy đủ, bất cập về nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ trong việc quản lý và bảo vệ rừng, bất cập về trình độ hiểu biết cần thiết của người dân và năng lực của họ trong việc tham gia tự giác và hiệu quả đối với hoạt động quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên. Do vậy, quyền tiếp cận hợp pháp nguồn tài nguyên đất và rừng của người dân cũng như khả năng tiếp cận với tiến bộ KHKT, các nguồn vốn và thị trường chưa thật sự đươc phát huy. Nhiều kiến thức bản địa về quản lý sử dụng đất, quản lý bảo vệ rừng có giá trị đang bị mai một dần. Người dân chưa thực sự được hưởng những lợi ích kinh tế từ việc nhận quản lý bảo vệ rừng mang lại như họ mong đợi.

Các mô hình này có được duy trì và nhân rộng nhằm phát huy hiệu quả các quyền của người dân trong quản lý và bảo vệ rừng hay không thì cần có những bổ sung, điều chỉnh thích hợp với từng vùng. Nhằm tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa các cộng đồng, các cơ quan quản lý nhà nước và những nhóm lợi ích khác nhau đồng thời tổng hợp và đưa ra các kiến nghị, giải pháp phù hợp để vận động chính sách đóng góp cho quá trình quản lý rừng bền vững ở Việt Nam, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E), Trung tâm Giáo dục, Truyền thông Môi trường (CEACE) và Hội KHKT Lâm nghiệp Thừa Thiên-Huế phối hợp tổ chức hội thảo về “Quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân”. Hội thảo do Quỹ Rosa Luxemburg- Đức tài trợ.

 

Ban Tổ chức Hội thảo trân trọng kính mời các địa phương đã có mô hình dự án quản lý rừng cộng đồng có hiệu quả, các cơ quan, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu những vấn đề liên quan đến mục tiêu và nội dung trên đây đóng góp báo cáo và tham dự hội thảo.

Thông tin chi tiết xem tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *