THÔNG BÁO TỔ CHỨC HỘI THẢO

  1. Giới thiệu

Rừng cộng đồng đã tồn tại như là một phần của truyền thống địa phương. Nó gắn các lợi ích của người dân với tín ngưỡng tâm linh và tôn giáo của cộng đồng và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống và văn hóa của các nhóm dân tộc thiểu số miền núi. Để thúc đẩy lợi ích của cộng đồng và vai trò của họ trong sự bền vững của rừng, nhà nước Việt Nam đã và đang giao rừng cho cộng đồng quản lý và sử dụng lâu dài từ những năm 1990. Đã có một số mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng thực hiện ở các khu vực khác nhau với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Trong bối cảnh ngành lâm nghiệp hiện đang đứng trước những cơ hội đổi mới và hội nhập, GĐGR có tiềm năng lớn trong việc kiến tạo những thay đổi cho ngành thông qua việc đổi mới các công ty lâm nghiệp và tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với đất và rừng. Bên cạnh đó, phát huy những ưu điểm của hình thức quản lý rừng dựa vào cộng đồng cũng có tiềm năng tạo ra những thay đổi quan trọng trong quản trị rừng hiện tại.

Kỳ vọng thay đổi hình thức quản lý lâm nghiệp Nhà nước theo hướng hiệu quả hơn, chuyển đổi từ hình thức quản lý lâm nghiệp Nhà nước với trọng tâm là các công ty lâm nghiệp (CTLN) sang hình thức quản lý lấy hộ gia đình và cộng đồng làm trung tâm. Để thực hiện điều này đòi hỏi cần có những bước đột phá trong cải cách thể chế lâm nghiệp và đất đai, nhằm dịch chuyển đất đai từ các CTLN, đất do xã đang quản lý sang các hộ và cộng đồng. Bên cạnh đó cần phải có những cam kết mạnh mẽ cả ở Trung ương và địa phương và phân bổ nguồn lực cần thiết để đảm bảo những chính sách mới được thực thi hiệu quả và đồng bộ ở các cấp.

Từ năm 2011 đến nay, với sự tài trợ của Viện Rosa Luxemburg vùng Đông Nam châu Á, Trung tâm C&E và các đối tác địa phương ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã thực hiện dự án thí điểm “Quản lý bền vững rừng tự nhiên thông qua nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực để sử dụng quyền và địa vị pháp lý của cộng đồng dân tộc thiểu số đối với rừng tự nhiên ở miền Trung Việt Nam”. Thí điểm cho thấy một mô hình quản lý bền vững rừng hiệu quả có thể hỗ trợ cộng đồng địa phương trong việc thực hiện đầy đủ các quyền và duy trì cuộc sống và văn hóa của họ và có thể được nhân rộng đến các khu vực lớn rừng tự nhiên nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao trong các dân tộc thiểu số trong khu vực.

Để hỗ trợ các hộ và cộng đồng sử dụng đất một cách hiệu quả, tạo động lực cho hộ và cộng đồng phát triển và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng đồng thời góp phần hỗ trợ quá trình đổi mới và hội nhập của ngành Lâm nghiệp, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) và Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân tộc thiểu số trong quản lý rừng tự nhiên”, dự kiến trong 1 ngày, 24/10/2014 tại thành phố Hà Nội. Hội thảo do Viện Rosa Luxemburg Đức, văn phòng vùng Đông Nam châu Á tài trợ.

  1. Mục tiêu của hội thảo

  • Chia sẻ những kết quả và bài học kinh nghiệm từ thực tiễn về việc thúc đẩy sử dụng quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân tộc thiểu số trong quản lý rừng tự nhiên;

  • Đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ cộng đồng DTTS trong việc sử dụng quyền và trách nhiệm của mình khi quản lý rừng tự nhiên.

  1. Nội dung hội thảo

  • Xây dựng năng lực cho cộng đồng DTTS để sử dụng quyền và trách nhiệm trong quản lý rừng tự nhiên

  • Hỗ trợ của các bên liên quan các cấp đối với việc sử dụng quyền và trách nhiệm của cộng đồng DTTS trong quản lý sử dụng rừng tự nhiên

  • Vai trò và sự phối hợp giữa các bên trong hỗ trợ việc sử dụng quyền và trách nhiệm của cộng đồng DTTS trong quản lý rừng tự nhiên.

  • Thảo luận để tìm ra những giải pháp hỗ trợ việc sử dụng quyền và trách nhiệm của cộng đồng DTTS trong quản lý rừng tự nhiên tại địa phương trong thời gian tới.

  1. Phương pháp làm việc tại hội thảo

  • Trình bày báo cáo/ chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu

  • Thảo luận, trao đổi ý kiến giữa các bên liên quan

  • Tổng kết phần thảo luận – hỏi đáp trong hội thảo

  • Phiếu đánh giá hội thảo

  • Kết luận hội thảo.

  1. Thời gian và địa điểm
    Thời gian dự kiến: 1/2 ngày (24/10/2014) tại Thành phố Hà Nội

  1. Thành phần tham gia hội thảo:  khoảng 70 người, gồm:

  • Đại diện các cơ quan và người dân tại 2 tỉnh dự án của trung tâm C&E

  • Các cơ quan Chính phủ trong lĩnh vực liên quan

  • Các tổ chức phi chính phủ trong nước và một số nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan

  • Các tổ chức quốc tế: RECOFTC, WWF, UN-REDD, Forest Trend, Malteser, CARE, OXFAM, SNV, …

  • Một số đại diện cộng đồng nơi có mô hình quản lý rừng tự nhiên hiệu quả tại miền Bắc, Nam và Tây Nguyên

  • Các cơ quan truyền thông.

 

  1. Ban tổ chức Hội thảo: gồm đại diện lãnh đạo của các cơ quan sau:

  • Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E)

  • Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *