THAM QUAN HỌC TẬP MÔ HÌNH QUẢN LÝ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỰ NHIÊN BỀN VỮNG DỰA TRÊN QUYỀN CỦA NGƯỜI DÂN TẠI TT-HUÊ VÀ QUẢNG NAM

Ngày 25/7/2013, 35 thành viên thuộc CLB sử dụng rừng thân thiện với môi trường thôn Xà Nghìn I và các đại diện liên quan đã có chuyến tham quan thực tế tại thôn Rcung, xã Bhalêê và thôn Bh’Lừa, xã Lăng, huyện Tây Giang.

Với phong tục truyền thống của người Cơ Tu là rất hiếu khách nên trong suốt quá trình giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của chuyến tham quan, CLB đoàn kết nuôi trồng thôn Rcung đã chuẩn bị tốt về các hoạt động và bố trí đông đủ các thành viên trong CLB của mình tham gia cũng như chuẩn bị một số nội dung báo cáo về tình hình hoạt động của mình cho đoàn. Tất cả các thành viên tham gia chuyến tham quan học hỏi được kinh nghiệm bước đầu trong mô hình nuôi bò, đóng góp và chi quỹ, truyền thông bảo tồn tài nguyên rừng, xây dựng qui ước bảo vệ rừng theo mô hình điểm tại CLB đoàn kết nuôi trồng Rcung, xã Bhalêê. Hầu hết các thành viên tham gia đều đánh giá tốt về chất lượng chuyến tham quan, về cách thức hoạt động CLB bạn hay có kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động của CLB mình trong thời gian đến.

CLB đoàn kết nuôi trồng Rcung với 28 thành viên gồm 16 nam và 12 nữ. Đa số các thành viên trong CLB là những hộ nghèo (17 hộ nghèo, 08 hộ cận nghèo và 02 hộ đã thoát nghèo). Các thành viên trong CLB tổ chức các cuộc họp để đưa ra nội quy sinh hoạt cho CLB như tham gia họp thường kỳ vào ngày 28 hằng tháng, đóng góp quỹ 11.000 đồng/tháng;  các thành viên tham gia sinh hoạt phải thể hiện tinh thần cởi mở, chia sẻ, trao đổi thông tin lẫn nhau trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi của mình.

Ban đầu CLB được tập huấn các kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi bền vững. Sau khi được tập huấn những kiến thức cơ bản về sử dụng bền vững thì các thành viên trong CLB lại tiếp tục phân theo các nhóm sở thích như nhóm sở thích chăn nuôi bò; nhóm chăn nuôi heo và nhóm chăn nuôi gà, vịt, cá.

Để tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ, CLB phải tổ chức các cuộc họp để Chủ nhiệm viết kế hoạch hoạt động của CLB trong thời gian đến, kinh phí đề xuất, đồng thời phải đánh giá những gì CLB đã có như: cây gỗ để làm chuồng cho bò, đất xây dựng chuồng, công lao động và những thứ mà CLB chưa có như: bò giống, vật liệu làm chuồng bò gồm tôn lợp, lưới B40 để rào, xi măng để tráng nền,… .Vấn đề này, đòi hỏi Ban chủ nhiệm CLB nói chung và Chủ nhiệm CLB nói riêng phải hết sức tích cực, xác định mục tiêu cụ thể để xây dựng kế hoạch hoạt động của CLB. Đây là điều làm hết sức mới lạ của CLB, họ không được trông chờ, dựa vào sự hỗ trợ mà họ phải là người chủ động thực hiện để xin được đầu tư hỗ trợ cho CLB. Kế hoạch hoạt động của CLB đã có sự hỗ trợ cho: Nhóm chăn nuôi bò: 08 con bò lai/08 hộ; Nhóm chăn nuôi heo: 10 con heo móng cái hoặc heo cỏ địa phương/10 hộ; Nhóm chăn nuôi gà, vịt, cá: 10 hộ.

CLB không được hỗ trợ tất cả phải đóng góp đối ứng để cùng nhau triển khai thực hiện, với mức hỗ trợ theo tỷ lệ 8:2 (dự án là 8 và đóng góp của CLB là 2). Điều này, đối với những hạng mục đầu tư lớn thì việc đóng góp của CLB là rất khó khăn vì đa số các hộ dân thuộc hộ nghèo và cận nghèo nên rất khó có thể đóng góp theo tỷ lệ này. Tuy nhiên, điều này thể hiện được trách nhiệm của các thành viên CLB trong việc đầu tư phát triển sản xuất. Do đó, để CLB đầu tư hoạt động tốt thì ngoài sự đầu tư hỗ trợ của nhà tài trợ thì chính quyền địa phương được xem như là đối tượng thứ ba để hỗ trợ cùng người dân tháo gỡ những khó khăn về kinh phí để đầu tư thực hiện.

Ví dụ như nhóm chăn nuôi bò thì người dân đóng góp bằng cây gỗ để làm chuồng, cát để làm nền chuồng, diện tích xây dựng mỗi chuồng là 07 m2 và công lao động của người dân tiến hành làm chuồng. Sự hỗ trợ là cho bò giống, tôn lợp, lưới B40 và xi măng để nhóm hộ xây dựng chuồng và chăn nuôi bò theo kế hoạch đã đề ra. Đến nay, việc xây dựng chuồng nuôi bò đang trong quá trình hoàn tất và dự kiến trong tháng 8/2013 sẽ hoàn thành và sẽ xem xét, hỗ trợ bò để tiến hành chăn nuôi phát triển đàn bò của CLB.

Khi triển khai xong việc hỗ trợ chăn nuôi bò lai, tất cả các thành viên trong CLB sẽ đánh giá, sơ kết kết quả ban đầu triển khai thực hiện nhằm rút kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động chăn nuôi heo, gà, vịt và cá theo kế hoạch đã được duyệt.

Đối với việc xây dựng quy ước bảo vệ rừng, bảo tồn tài nguyên rừng, hiện nay CLB chỉ mới trong quá trình xây dựng, chưa triển khai thực hiện việc này tại CLB. Cách thức truyền thông: Khi có vấn đề gì cần họp CLB thì Chủ nhiệm CLB sẽ thông báo cho thư ký CLB và thư ký CLB có trách nhiệm thông báo cho tất cả các thành viên trong CLB, bằng hình thức trực tiếp đến nhà thông báo hoặc điện thoại thông báo cho tất cả các thành viên trong CLB biết để tham dự.

Tham quan học tập mô hình CLB đoàn kết nuôi trồng Rcung, xã Bhalêê và mô hình trồng cây ba kích tím tại thôn Bh’lừa, xã Lăng, huyện Tây Giang đã giúp các thành viên trong đoàn hầu hết là người dân tộc Cơ Tu học hỏi được kinh nghiệm từ thực tiễn về các mô hình sinh kế bền vững, cách thức truyền thông bảo tồn tài nguyên rừng, xây dựng qui ước bảo vệ rừng cũng như về cách thức tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá hoạt động CLB cũng như cách thức thiết lập sự hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong CLB và cộng đồng.

 

Ngày 28/07/2013, 20 thành viên trong BQL RCĐ Khe Trăn và các đại diện liên quan đã có chuyến tham quan thực tế tại thôn Phú Mậu, xã Hương Phú, huyện Nam Đông. Qua trao đổi thảo luận và tham quan thực tế, các thành viên Ban QLRCĐ Khe Trăn đã học tập được rất nhiều điều giá trị và sẽ áp dụng tại BQLRCĐ Khe Trăn, xã Phong Mỹ về mô hình “Quản lý bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên bền vững dựa trên quyền của người dân”

(1) Việc xin chuyển diện tích đất trống trong rừng cộng đồng để xây dựng các mô hình làm giàu rừng như trồng Tre Điền trúc, Keo lai là điều mà BQLRCĐ Khe Trăn tâm đắc nhất. Do đó, trong thời gian tới BQLRCĐ Khe Trăn sẽ bàn bạc, thảo luận  để viết đơn xin các cơ quan chức năng cho chuyển đổi đất trống trong rừng cộng đồng, đất rừng tự nhiên nghèo kiệt trên địa bàn chuyển sang sản xuất để phát triển các mô hình làm giàu rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho toàn cộng đồng, nhằm có kinh phí để quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao tốt hơn, không để xảy ra cháy rừng; ngăn chặn triệt để được hoạt động khai thác lâm sản và động vật rừng trái phép .

(2) Việc tổ chức, triển khai thực hiện các dự án tài trợ cho Câu lạc bộ minh bạch, rõ ràng nên đã thu hút sự tham gia tích cực của thành viên Câu lạc bộ; hoạt động có tính tổ chức, có kế hoạch rõ ràng thường xuyên được giám sát, đánh giá; BQLRCĐ Khe Trăn cũng đang và sẽ tiếp tục áp dụng hình thức này tại địa phương để đảm bảo sự công bằng, minh bạch và thu hút sự tham gia nhiệt tình của các thành viên trong BQLRCĐ.

(3) Phương châm hoạt động của CLB là chuyển đổi từ tư duy chờ đợi sang tư duy tìm kiếm để nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành, các chương trình dự án là rất đáng học tập. Trong thời gian tới BQLRCĐ Khe Trăn sẽ chủ động hơn trong việc giao dịch, xin sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các chương trình dự án … để nhận được hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật, kỹ năng, chính sách để nâng cao năng lực của người dân về các kỹ năng làm việc nhóm, lập kế hoạch, về thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, trồng trọt, chăn nuôi để quản lư, bảo vệ và phát triển hiệu quả vốn rừng Nhà nước giao; đồng thời hỗ trợ về con giống, cây giống để phát triển kinh tế.

(4) Câu lạc bộ đã biết vận dụng kiến thực bản địa kết hợp áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đúng cách, khoa học và hiệu quả vào trong các mô hình làm giàu rừng của mình như trồng Mây, Lồ ô, Tre lấy măng, keo lai.. cũng là một điều hay nên học hỏi để quản lý, chăm sóc và khai thác sản phẩm từ mô hình tốt hơn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Kết quả của hai chuyến tham quan đã giúp các thành viên trong CLB thôn Xà Nghìn I và BQLRCĐ Khe Trăn học tập kinh nghiệm về nâng cao nhận thức và năng lực cũng như cách thực hành sử dụng quyền và trách nhiệm trong bảo vệ và làm giàu vốn rừng cũng như các mô hình sinh kế, sản xuất thân thiện môi trường, cách thức quản lý phục hồi rừng tự nhiên. Đồng thời các thành viên cũng học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn về cách thức thiết lập sự hợp tác, giúp đỡ, chia sẽ trong cộng đồng, cách thức tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá, hoạt động BQL cũng như cả cộng đồng. Ngoài ra trong chuyến tham quan các thành viên của cả hai bên cũng đã chia sẻ và trao đổi học tập kinh nghiêm của nhau trong việc nâng cao năng lực để tiếp cận hiệu quả với một số dịch vụ công, dịch vụ khuyến nông lâm, thúc đẩy nhanh thủ tục liên quan đối với đất rừng được giao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *