Quản lý rừng tự nhiện dựa trên quyền của người dân

Việc bảo vệ các diện tích rừng tự nhiên hiện còn ở Việt Nam là một vấn đề cấp bách đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các tổ chức lâm nghiệp và các tổ chức liên quan. Mặc dù đã có nhiều chính sách và thể chế cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, nhưng rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá bởi nhiều lý do khác nhau. Bởi vậy, sự tham gia của người dân trong việc bảo vệ rừng tự nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng bên cạnh các nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước.

Từ những năm 90, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách liên quan đến quyền tiếp cận, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên rừng của người dân và đặc biệt là từ khi có nghị định 02 của Chính phủ thì đã có ngày càng nhiều người dân và các hộ gia đình tại các địa phương tham gia nhận khoán đất và rừng tự nhiên của Nhà nước để quản lý và bảo vệ. Đã có một số mô hình quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân được triển khai ở một số địa phương và được hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức nước ngoài để thúc đẩy quá trình này và đã đạt được một số kết quả đáng kể. Tuy nhiên việc triển khai các chính sách và thực hiện các mô hình này ở nhiều địa phương cho đến nay vẫn còn tồn tại những vấn đề bất cập, các qui định của Nhà nước còn chưa rõ và chưa đầy đủ, bất cập về nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ trong việc quản lý và bảo vệ rừng, bất cập về trình độ hiểu biết cần thiết của người dân và năng lực của họ trong việc tham gia tự giác và hiệu quả đối với hoạt động quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên. Do vậy, quyền tiếp cận hợp pháp nguồn tài nguyên đất và rừng của người dân cũng như khả năng tiếp cận với tiến bộ KHKT, các nguồn vốn và thị trường chưa thật sự đươc phát huy. Nhiều kiến thức bản địa về quản lý sử dụng đất, quản lý bảo vệ rừng có giá trị đang bị mai một dần. Người dân chưa thực sự được hưởng những lợi ích kinh tế từ việc nhận quản lý bảo vệ rừng mang lại như họ mong đợi.

Các mô hình này có được duy trì và nhân rộng nhằm phát huy hiệu quả các quyền của người dân trong quản lý và bảo vệ rừng hay không thì cần có những bổ sung, điều chỉnh thích hợp với từng vùng. Nhằm tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa các cộng đồng, các cơ quan quản lý nhà nước và những nhóm lợi ích khác nhau đồng thời tổng hợp và đưa ra các kiến nghị, giải pháp phù hợp để vận động chính sách đóng góp cho quá trình quản lý rừng bền vững ở Việt Nam, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường (CEACE) và Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức hội thảo về “Quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân”. Hội thảo do Quỹ Rosa Luxemburg- Đức tài trợ.

Hội thảo tạo điều kiện cho các đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành đến từ Trung ương và nhiều địa phương, các tổ chức phi chính phủ trong nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và một số cộng đồng địa phương giao lưu tìm hiểu các vấn đề quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân ở các vùng miền khác nhau trên cả nước.

Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày tại Thừa Thiên – Huế trong đó có một ngày thảo luận tại hội trường và một ngày đi thực tế mô hình rừng cộng đồng. Hội thảo sẽ tập trung vào phân tích trao đổi để chia sẻ kinh nghiệm và đối thoại về thực trạng, các bất cập, thuận lợi, khó khăn, thách thức và đề xuất các kiến nghị và giải pháp cho các vấn đề sau:

·         Kết quả đạt được từ việc Quản lý rừng tự nhiên của người dân, ý nghĩa và giá trị của nó, những tồn tại và khuyến nghị nhằm tăng cường và mở rộng diện áp dụng Quản lý rừng cộng đồng.

·         Hệ thống luật pháp và chính sách liên quan đến quyền của người dân trong việc tiếp cận, quản lý và sử dụng đất và rừng tự nhiên

·         Cơ chế quản lý rừng của cộng đồng và sự phối hợp hoạt động giữa các bên liên quan, đặc biệt là vai trò liên đới của các doanh nghiệp

·         Các biện pháp tác động và hỗ trợ về KHKT, nguồn vốn, thị trường.

Hội thảo là nơi tập hợp những ý kiến từ thực tiễn của các địa phương để rút ra những bài học kinh nghiệm và đưa ra những kiến nghị, giải pháp tốt giúp cho việc quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân có hiệu quả hơn trong tương lai.

Các bạn có thể tải nội dung kỷ yếu tại đây

 

 

ThS. Hoàng Thanh Tâm

Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *