Phân bón từ rơm, rạ và nông nghiệp hữu cơ

Phân bón tự tạo

Đã gần 4 năm, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, vợ chồng anh Bộ lại bận rộn với việc sản xuất phân bón hữu cơ. Theo anh, công việc này rất đơn giản, không tốn công sức, chi phí thấp mà hiệu quả lại cao. Lượng phân bón thu được sau khi xử lý 1 sào rơm, rạ (1 sào Bắc Bộ =360m2) là 300 – 400kg. “Nhờ đó, tôi giảm được 1-1,5kg phân hoá học, năng suất lúa tăng 9-12kg/sào. Không những thế, còn giảm rõ rệt mức độ gây hại của một số loài sâu bệnh như cuốn lá, đạo ôn…”, anh Bộ cho biết.

Những năm trước, cũng như nhiều gia đình trong xã, toàn bộ rơm, rạ được anh Bộ tận dụng để lợp nhà, làm thức ăn cho gia súc hoặc đun nấu. Tuy nhiên, đời sống ngày càng nâng cao, những nhu cầu ấy không còn phù hợp, vì thế rơm, rạ chỉ để khô rồi đốt.

Năm 2004, đề án ứng dụng công nghệ vi sinh vật xử lý rạ tại đồng ruộng làm phân bón hữu cơ nhằm cải tạo đất và bảo vệ môi trường của Viện Công nghệ Sinh học (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) được triển khai tại 6 huyện của tỉnh Nam Định. Theo TS. Trần Đình Mấn, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, với khoảng 4 triệu hecta đất trồng lúa, hàng năm lượng rơm, rạ thải ra lên tới 76 triệu tấn, tương đương 20 triệu tấn dầu. Nếu đốt bỏ sẽ gây lãng phí nguồn chất hữu cơ có thể sử dụng làm phân bón. Nếu biết cách sử dụng rơm, rạ đúng mục đích, không chỉ giúp cải tạo đất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường. Phân bón hữu cơ từ rơm, rạ góp phần gia tăng độ mùn, bổ sung chất dinh dưỡng, nâng cao chất lượng cây trồng.

Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ

“Hàng năm, nông dân đổ xuống đồng ruộng lượng lớn phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật làm cho cấu trúc đất bị thay đổi. Nếu cứ tiếp tục như vậy, đồng ruộng sẽ mất dần độ phì nhiêu, môi trường ô nhiễm, sức khoẻ con người bị ảnh hưởng”, TS. Mấn cảnh báo. Do vậy, việc sử dụng rơm, rạ làm phân bón hữu cơ có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế, xã hội.

Theo TS. Mấn, phân hữu cơ sinh học là sản phẩm tạo ra thông qua quá trình lên men vi sinh vật, qua đó các hợp chất giàu xenluloza được phân huỷ, trở thành mùn. Rơm, rạ sau khi thu hoạch được gom thành đống. Dùng 1kg chế phẩm Vixura, 1kg phân NPK hoà vào nước, tưới đều lên rơm rạ rồi phủ nylon che kín để giữ ẩm và nhiệt. Khoảng 21 ngày, có thể mang ra ruộng làm phân bón. Bà con có thể để thời gian ủ kéo dài thêm để rơm, rạ mủn tốt hơn. Trong quá trình ủ, nếu rơm, rạ bị khô, cần bổ sung nước. Để xử lý 1 tấn rơm, rạ cần khoảng 2-3kg chế phẩm Vixura, giá 13.000 – 15.000 đồng/kg.

Sử dụng rơm rạ đúng mục đích, không chỉ giúp cải tạo đất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường. Phân bón hữu cơ từ rơm, rạ góp phần gia tăng độ mùn, bổ sung chất dinh dưỡng, nâng cao chất lượng cây trồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *