Những đổi thay trên quê hương Đồng Bùa sau gần năm tháng triển khai dự án

Đối với khu vực có trình độ dân trí thấp như thôn Đồng Bùa nói riêng và vùng đệm Vườn quốc gia Tam Đảo nói chung thì việc thành lập một câu lạc bộ phụ nữ không quá khó. Việc làm sao để câu lạc bộ đó thực sự hoạt động có hiệu quả và duy trì lâu dài là thách thức lớn hơn, đòi hỏi sớm đưa ra một quy chế hoạt động chung của CLB. Trong buổi sinh hoạt CLB Phụ nữ và Môi trường thôn Đồng Bùa vào tháng 11 vừa qua, Trung tâm C&E đã hỗ trợ Ban chủ nhiệm CLB và các chị em xây dựng và thông qua nội quy, quy chế hoạt động chung áp dụng mềm dẻo tùy tình hình cụ thể khi chị em sinh hoạt theo “nhóm chòm tre”. Cũng trong buổi sinh hoạt này CLB nhận thấy ô nhiễm môi trường địa phương đang trở thành một vấn đề cấp bách, chủ yếu là do các sản phẩm sau thu hoạch nông nghiệp chưa được xử lý đúng cách. Nhận thấy nếu những phế phụ phẩm nông nghiệp nếu được xử lý tốt sẽ không gây ra tác động xấu cho môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế nên bà con đã đề nghị Trung tâm C&E mời những chuyên gia đến tập huấn về ủ phân vi sinh cho bà con.

           Đến nay sau gần 5 tháng triển khai dự án và gần 3 tháng sau khi hỗ trợ cây con giống, hai loại mô hình kinh tế thân môi trường của chị em phụ nữ CLB đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Về mô hình trồng rau Su su an toàn, mỗi gia đình trồng được từ 1 đến 2 sào bắc bộ tùy thuộc vào diện tích đất ruộng của gia đình. Trong thời gian Su su đang leo giàn, chưa khép tán chị em đã trồng xen các loài rau khác như su hào, bắp cải, bầu bí, đỗ… vừa đảm bảo đa dạng cây trồng để tránh sâu bệnh lại có thêm sản phẩm để thu hoạch. Nhờ chăm sóc đúng quy cách và điều kiện thời tiết thuận lợi, tới nay Su su đã cho thu hoạch và mang lại thu nhập tương đối ổn định khoảng từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/ sào/ tháng, đảm bảo cuộc sống hàng ngày mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm này chủ yếu dựa vào một vài tiểu thương nhỏ lẻ trong và ngoài thôn nên giá cả còn bấp bênh. Mô hình nuôi gà thịt có khó khăn hơn do chị em chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi tập trung. Trung tâm C&E đã tích cực hỗ trợ cả về mặt con giống lẫn vacxin phòng bệnh. Đến nay sau gần 2 tháng triển khai tỷ lệ sống chung của đàn gà do dự án cung cấp vẫn đạt trên 90% với trọng lượng bình quân 1kg/con. Số gà bị chết là do chăm sóc chưa tốt như dẫm chết gà con trong khi cho ăn hoặc để chó, mèo cắn chết…Tuy vậy, đây cũng là một thành công lớn của dự án khi triển khai tại một địa phương như Đồng Bùa.

 Trong buổi sinh hoạt định kỳ của CLB vào đầu tháng 12 năm 2011, Trung tâm C&E đã hướng dẫn chị em trong CLB xác định hiệu quả kinh tế của hai mô hình trồng Su Su và nuôi Gà thịt theo hướng sản xuất an toàn và bền vững. Chị em đã được hướng dẫn ghi chép hạch toán các khoản thu chi để theo dõi hiệu quả kinh tế của hai mô hình này. Đây là những cách thức mới và tương đối khó đối với chị em. Cũng trong buổi sinh hoạt này Trung tâm C&E đã mời các chuyên gia của Trung tâm Phát triển Cộng đồng Bền vững đến tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh và kỹ thuật nuôi giun Quế và hỗ trợ men vi sinh để thực hành. Chị em đã tiến hành ủ phân vi sinh bước đầu cho kết quả rất khả quan và trong thời gian tới số phân này sẽ được sử dụng trên cánh đồng trồng rau Su Su và các cây trồng khác. Giun Quế là một loài động vật rất có giá trị làm thức ăn cho chăn nuôi. Hai sản phẩm phân vi sinh và giun Quế sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra cũng như lợi nhuận trong trồng trọt và chăn nuôi.

           Do thôn chưa có nhà văn hóa nên các hoạt động cộng đồng diễn ra trong điều kiện thiếu thốn về ánh sáng, âm thanh. Nhận thấy vấn đề này cũng ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của CLB, Trung tâm C&E đã trang bị cho CLB một số thiết bị âm thanh để hỗ trợ chị em trong các kỳ sinh hoạt. Thôn Đồng Bùa nằm cách xa trung tâm xã, cản trở việc học hỏi nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, sức khỏe vốn là điều kiện cần để người dân tự đưa ra những biện pháp, phương thức phù hợp để giảm nghèo mà không phụ thuộc vào hỗ trợ của các dự án. Do vậy đầu tháng 12 năm 2011 Trung tâm C&E đã trao tặng cho CLB Phụ nữ và Môi trường Đồng Bùa một tủ sách với 99 đầu sách thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, sức khỏe, khoa học. Ban chủ nhiệm CLB còn được cán bộ trung tâm hướng dẫn quản lý tủ sách sao cho có hiệu quả cao. Buổi lễ trao tặng đã diễn ra trong không khí vui tươi cởi mở của tất cả các thành viên trong CLB và sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương. Sau khi bàn giao đã có nhiều thành viên trong CLB tham khảo và mượn những cuốn sách ưng ý, phù hợp với mình cho thấy tủ sách cộng đồng bước đầu mang lại hiệu quả tốt.

           

Vấn đề bảo vệ môi trường không chỉ của riêng cá nhân ai mà là của toàn xã hội. Vì vậy việc tuyên truyền bảo vệ môi trường tại thôn Đồng Bùa cho tất cả mọi người cùng biết cùng tham gia là điều cần thiết. Việc tuyên truyền không chỉ dừng lại ở việc phổ biến trên đài phát thanh thôn mà còn được biểu hiện qua những pano, khẩu hiệu sinh động, đẹp mắt thu hút người dân. Trong khuôn khổ của dự án thì đây cũng là một phương pháp để nhân rộng những mô hình kinh tế thân thiện môi trường đến toàn thể người dân trong khu vực để tham khảo và cùng giúp nhau trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

 Trên đây là những kết quả đã đạt được của dự án trong thời gian qua cùng với những nỗ lực không mệt mỏi của chị em thôn Đồng Bùa và các cán bộ Trung tâm C&E. Trong thời gian tới với nguồn thu nhập ổn định từ các mô hình kinh tế chúng tôi tin rằng chị em phụ nữ Đồng Bùa sẽ giúp đỡ nhau từng bước để phát triển kinh tế hơn nữa và cùng nhau thoát khỏi cảnh đói nghèo.

 

C&E

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *