Một số giải pháp hỗ trợ cộng đồng sử dụng quyền và nghĩa vụ trong quản lý rừng tự nhiên tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam

 Với mục đích nâng cao nhận thức và năng lực sử dụng quyền và trách nhiệm trong quản lý rừng cộng đồng cho người dân tộc thiểu số và được sự tài trợ của tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung (RLS), Trung tâm C&E đã phối hợp với Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam triển khai dự án “Quản lý bền vững rừng tự nhiên thông qua nâng cao nhận thức và năng lực để cải thiện việc sử dụng quyền và địa vị pháp lý của cộng đồng dân tộc thiểu số đối với rừng tự nhiên ở miền trung Việt Nam (2012 – 2014)”.

 

Sau một năm triển khai (2012) dự án đã thu được những kết quả ban đầu và hội thảo “Một số giải pháp hỗ trợ cộng đồng sử dụng quyền và nghĩa vụ trong quản lý rừng tự nhiên tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam” tại  thành phố Huế do Trung tâm C&E phối hợp với các đối tác địa phương tổ chức với mong muốn trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm về việc nâng cao nhận thức và năng lực về sử dụng quyền và địa vị pháp lý trong quản lý bền vững rừng tự nhiên cho cộng đồng dân tộc thiểu số với các cấp có thẩm quyền ở xã, huyện, tỉnh và các bên liên quan tại địa phương.

 

Hội thảo có sự tham dự của hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành địa phương 2 tỉnh như Văn phòng tỉnh ủy và UBND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Sở NN&PTNT, Sở TNMT, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh; Chi cục Bảo vệ Môi trường; Chi cục Nuôi trồng Thủy sản; Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm,… cùng UBND huyện,  xã và đại diên cộng đồng vùng dự án. Ngoài ra còn có sự tham gia của một số tổ chức khác như trung tâm CORENARM, trung tâm CSRD, WWF, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền; Đại học Nông Lâm Huế, Hội KHKT Lâm nghiệp, CLB Lâm nghiệp. Hội thảo cũng đã có sự tham dự và đưa tin của phóng viên các cơ quan báo chí địa phương: Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh (TRT Huế) và Báo Thừa Thiên Huế. Đặc biệt tham dự hội thảo còn có ông Nguyễn Văn Tùng – cán bộ quản lý dự án của văn phòng đại diện RLS tại Việt Nam.

 

Các tham luận được trình bày tại hội thảo bao gồm tham luận của hai đối tác dự án tại 2 tỉnh tập trung vào các kết quả xây dựng năng lực về sử dụng quyền và trách nhiệm cũng như thúc đẩy các mô hình sử dụng rừng thân thiện với môi trường, những tác động, thay đổi ban đầu đến người dân, chính quyền và các bên liên quan về nhận thức, năng lực, hành vi,… Các tham luận của lãnh đạo đại diện 2 tỉnh đã đánh giá việc hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc thực thi các quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân tộc thiểu số được giao rừng tự nhiên tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Cuối cùng, lãnh đạo Trung tâm C&E đã tổng kết các hoạt động dự án năm 2012: kết quả đạt được của hoạt động nghiên cứu, những bài học kinh nghiệm rút từ hoạt động tập huấn, đánh giá mức độ thành công của các hoạt động tại 2 tỉnh và đề xuất kế hoạch và sự hợp tác với các bên trong năm tiếp theo 2013.

 

Kết quả thảo luận của đại biểu tập trung phân tích, bình luận những bất cập, tồn tại về cơ chế, chính sách của nhà nước khi giao rừng tự nhiên cho cộng đồng; những khó khăn, thách thức của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng được giao. Theo Ông Nguyễn Trọng – Chi cục trưởng chi cục Lâm nghiệp tỉnh TT- Huế: Tiếp cận dựa trên quyền của người dân tham gia quản lý rừng tự nhiên là một vấn đề lớn, khó và đầy thách thức nhưng Trung tâm C&E đã đạt được thành công bước đầu. Hoạt động của Dự án đã có những tác động tích cực, làm chuyển biến đáng kể nhận thức và hành vi của người dân, để họ tự nguyện thực hiện có hiệu quả quyền và nghĩa vụ của mình khi quản lý rừng cộng đồng. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề liên quan đến các chính sách hỗ trợ cho các cộng đồng sau khi nhận quản lý bảo vệ rừng tự nhiên cần phải được nghiên cứu để có biện pháp tháo gỡ.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo nhất trí và đánh giá rất cao kết quả các hoạt động của Dự án, theo lời ông Đỗ Xuân Cẩm – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lâm nghiệp TT – Huế: “Ân tượng nhất của tôi là sự thay đổi ý thức của người dân sau tập  huấn “chuyển từ tư duy chờ đợi”  sang lối “tư duy tìm kiếm”, “từ không biết đến biết”, từ “thụ động đến chủ động”… Tôi cho rằng, đây là thành công rất lớn của Dự án. Mặc dù dự án mới triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực, chưa thực hiện hoạt động đầu tư hỗ trợ phát triển sinh kế, nhưng đã góp phần khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập và lỗ hổng trong công tác giao rừng tự nhiên cho các cộng đồng, thể hiện rất rõ qua kinh nghiệm thực hiện quản lý rừng cộng đồng tại Câu lạc bộ KNKL Phú Mậu.

 

Cũng tại hội thảo các đại biểu đề nghị thiết lập cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với Trung tâm C&E đối với hoạt động hỗ trợ cộng đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý trong quản lý rừng tự nhiên được giao. Như ý kiến của PGS.TS Đặng Thái Dương – Trưởng Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Huế “Hiện nay Khoa Lâm nghiệp cũng đang thực hiện các hoạt động liên quan đến giao đất giao rừng tại TT- Huế như tham gia Dự án trọng điểm cấp bộ về chính sách giao rừng cộng đồng; thực hiện đề tài nghiên cứu sinh về vấn đề phân quyền trong giao rừng cộng đồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó, Trung tâm C&E và Khoa Lâm nghiệp có thể kết nối để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các hoạt động, mô hình đồng thời hợp tác để phát triển dự án trong những năm tới”.

 

Các đại biểu trong hội thảo cũng đã cùng nhau thống nhất đề xuất một số ý kiến và giải pháp cụ thể, phù hợp để nâng cao hơn nữa nhận thức và năng lực sử dụng quyền và địa vị pháp lý cho người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng cộng đồng tại địa phương cũng như sự tham gia của các bên liên quan để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình này. Theo Ông Nguyễn Văn Tình – Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam: “Thời gian qua, Trung tâm C&E đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo để nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân và đã đạt những kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, do kiến thức hạn chế, nên phần lớn người dân tộc thiểu số tại Quảng Nam vẫn đang rất mơ hồ về chính sách, các quy định pháp lý của nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, nhất là nội dung về quyền lợi và trách nhiệm của họ khi quản lý rừng tự nhiên được giao. Do đó cần phải tập huấn nhắc đi, nhắc lại nhiều lần những nội dung này cho người dân cho đến khi họ thấu hiểu”. Các giải pháp và kiến nghị của hội thảo sẽ được gửi đến các bên liên quan các cấp và cũng là đầu vào cho những hoạt động trong năm 2013 của dự án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *