Giới thiệu dự án

GIỚI THIỆU


Gần một nửa trong tổng số khí nhà kính được phát thải trực tiếp và gián tiếp từ hộ gia đình, bao gồm sử dụng nhiên liệu động cơ và sử dụng nhiên liệu làm chất đốt (phát thải trực tiếp) và sản xuất công nghiệp ra các hàng hoá và dịch vụ được hộ gia đình sử dụng (phát thải gián tiếp). Sự phát thải này có thể giảm đáng kể nhờ các hộ gia đình và cộng đồng.


Những can thiệp nhằm giúp hộ gia đình và cá nhân giảm phát thải trực tiếp và gián tiếp ở Việt Nam còn rất hạn chế. Trong khi với vai trò quan trọng tiềm năng, trường học đã không thể lôi cuốn học sinh, gia đình và cộng đồng tham gia giảm phát thải khí nhà kính. Có nhiều lý do như thiếu các mô hình tốt, năng lực giáo viên còn hạn chế, mối quan hệ với các tác nhân xã hội dân sự khác còn hạn chế, không đủ nguồn lực và ít có ảnh hưởng đối với các nhà hoạch định chính sách về giáo dục và cộng đồng.


Vào tháng 7/2009, được sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị (ACCD), Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) và Kế hoạch Hành động Quốc tế, Thụy Điển (GAP) đã tham gia vào một quan hệ đối tác lâu dài, nhằm thúc đẩy các chương trình thay đổi hành vi cá nhân tại Việt Nam. Trong quan hệ đối tác, 3 tổ chức dự kiến sẽ cùng chia sẻ, học hỏi và đóng góp vào thành công của dự án dựa trên kinh nghiệm độc đáo của tổ chức mình. GAP có nhiều kinh nghiệm trong thay đổi hành vi về tính bền vững trong các môi trường văn hóa khác nhau. ACCD và C&E được biết đến với sự sáng tạo và hiệu quả trong việc xây dựng năng lực cộng đồng, thực hiện giáo dục các sáng kiến phát triển bền vững ở thành thị và nông thôn Việt Nam.

Mục đích

Các cộng đồng với chương trình Nhóm Sinh thái sẽ trải nghiệm sự cải thiện bền vững trong cuộc sống của họ với việc thay đổi các thói quen hàng ngày.

Các mục tiêu dài hạn của quan hệ đối tác

GAP, C&E, ACCD và các bên liên quan khác sẽ tham gia vào một quan hệ đối tác chặt chẽ để thúc đẩy mô hình thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu hiệu quả ở Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của dự án

1. GAP, C&E và ACCD có năng lực tốt hơn và thúc đẩy các trường, giáo viên và các nhà lãnh đạo  trẻ ở Việt Nam tiếp cận với cộng đồng để giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu thông qua các mô hình Nhóm Sinh thái của học sinh.

2. GAP, C&E và ACCD xây dựng hợp tác chiến lược với các tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạch định chính sách ở tất cả các cấp và các bên liên quan khác để vận động nhân rộng mô hình Nhóm Sinh thái vì sự thay đổi hành vi của cộng đồng liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tổng quan về dự án

Dự án sẽ thích ứng, phát triển, thử nghiệm và vận động mô hình thực hiện Nhóm Sinh thái trong trường học như một cách để lôi cuốn tuổi trẻ học đường (cộng đồng) chủ động tham gia vào các hoạt động nhằm giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Dựa trên phương pháp sư phạm, học sinh sẽ được tập huấn hàng tuần trong các nhóm nhỏ tối đa 8 học sinh trong thời gian ngoại khóa của các em. Chương trình Nhóm Sinh thái được thử nghiệm trong chương trình ngoại khóa nhưng nội dung giảng dạy sẽ được thiết kế để các giáo viên có thể áp dụng vào một môn học chính thức hiện nay.

Học sinh sẽ tìm hiểu vấn đề bền vững thông qua kinh nghiệm của các em về thực hiện các hành động bền vững tại gia đình và trường học. Các em sẽ vận động bạn bè và các thành viên trong gia đình giảm chất thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, giảm sử dụng hóa chất và các chất độc hại, cải thiện sức khỏe và phát triển cá nhân. Sách hướng dẫn cho học sinh, giáo viên sẽ được phát triển với sự tham gia của các nhà lãnh đạo giáo dục, các chuyên gia và sinh viên.

Các trường học sẽ là chất xúc tác để lôi cuốn các đối tượng, gồm phụ huynh, học sinh, cộng đồng địa phương, phi chính phủ và khu vực tư nhân để giảm thiểu tác động khí hậu thông qua hành động dựa vào chương trình học tập thử nghiệm.

Dự án cũng sẽ tạo cơ hội xây dựng năng lực cho các bên liên quan khác nhau, chia sẻ những kinh nghiệm thông  qua các buổi hội thảo và các hoạt động truyền thông.

Địa điểm thực hiện

Thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Bình và tỉnh Thừa Thiên Huế

Khung thời gian

Từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 12 năm 2013.

Sản phẩm tái chế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *