Đánh giá thực trạng điều kiện dân sinh kinh tế và nhận thức về quyền và địa vị pháp lý của người dân khi tham gia quản lý bảo vệ rừng cộng đồng tại 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế

 

Nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ dự án “Quản lý bền vững rừng tự nhiên thông qua nâng cao nhận thức và năng lực để cải thiện việc sử dụng quyền và địa vị pháp lý của người dân tộc thiểu số đối với rừng tự nhiên ở miền trung Việt Nam giai đoạn 2012-2014 – Năm 2012” do trung tâm C&E phối hợp với Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thực hiện với sựhỗ trợ tài chính từ Viện Rosa Luxemburg Stiftung (RLS). Kết quả của nghiên cứu sẽ được sử dụng để thiết kế và tiến hành các hoạt động của dự án đồng thời được cung cấp cho các cơ quan liên quan và cộng đồng địa phương và những người quan tâm.

 

Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2012. Nghiên cứu này kết hợp các phương pháp định tính và định lượng. Các dữ liệu của báo cáo dựa vào hai nguồn chính: Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các tài liệu hiện có và dự liệu sơ cấp được thu thập từ quan sát thực địa, thảo luận nhóm, phỏng vấn cán bộ chủ chốt ở xã, huyện và quan trọng nhất là phỏng vấn hộ dân. Tổng cộng đã có 349 người dân tham gia phỏng vấn hộ và 34 cán bộ tham gia phỏng vấn sâu của tám xã miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đó là xã Tabing huyện Nam Giang, xã Ta Lu, xã Za Hung, và xã Tư huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam, xã Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Quảng huyện Nam Đông, xã Phong Mỹ huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế.

Cũng trong thời gian này, ngày 23 tháng 6 tại khách sạn Công Đoàn, thành phố Đà Nẵng, trung tâm C&E đã tổ chức một Hội thảo báo cáo các kết quả điều tra tại hai tỉnh và lấy ý kiến phản hồi của đại diện các xã, huyện và các cơ quan liên quan trên địa bàn vùng dự án. Sau hôi thảo, C&E đã tổng hợp, viết báo cáo nghiên cứu hoàn chỉnh và đệ trình văn phòng đại diện của Rosa Luxemburg Stiftung (RLS) tại Việt Nam vào cuối tháng 6 năm 2012.  

Qua đợt khảo sát này, nhóm nghiên cứu có được những phát hiện chính sau đây:

·      Khuôn mẫu giới ở địa bàn khảo sát vẫn xem trọng vai trò của đàn ông. Trình độ học vấn nói chung của mẫu nghiên cứu không đến mức quá thấp mặc dù người dân tộc thiểu số chiếm đa số (88,83%). Tỉ lệ hộ nghèo hoặc trung bình chiếm đa số, với 43,59%. Mặc dù sinh kế chủ yếu của người dân trong vùng được phỏng vấn chủ yếu phụ thuộc vào rừng như đốt nương làm rẫy, khai thác lâm sản, nhưng người dân địa phương vẫn thiếu kiến thức và kinh nghiệm về các sinh kế dựa vào rừng một cách bền vững.

·      Tỉ lệ người được hỏi biết thôn bản nơi họ sống được giao rừng cộng đồng khá cao dù dưới góc độ pháp luật cộng đồng chưa được cộng nhận là một chủ thể. Sự chênh lệch giữa TT-Huế và Quảng Nam gần gấp đôi. Mặc dù biết thôn mình được giao rừng cộng đồng nhưng khi đi sâu vào các chi tiết như nhớ năm được giao rừng, nhớ diện tích rừng được giao, biết về giấy tờ GĐGR, biết về quyền lợi đối với rừng được giao, tỉ lệ người nắm được không cao, đặc biệt là ở Quảng Nam. Điều này chứng tỏ công tác GĐGR cho cộng đồng còn mang tính hình thức, chủ yếu thực hiện qua đối tượng cán bộ. Các thành viên cộng đồng chưa được tham gia thực sự vào quá trình đó. Bởi vậy, việc quản lý rừng cộng đồng sau đó hiệu quả chưa cao khi mà người dân chưa được tham gia vào quá trình giao rừng, chưa có hiểu biết pháp luật đầy đủ về các trách nhiệm và quyền lợi với rừng cộng đồng sẽ không có động lực trong việc bảo vệ rừng.

·      Quản lý và sử dụng rừng ở cấp cơ sở được sự điều chỉnh của 12 văn bản pháp quy của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, quy định về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người/tập thể được giao rừng. Tuy nhiên, những người được hỏi có nhận thức không cao lắm về các văn bản pháp luật này. Phổ biến nhất như Luật bảo vệ và phát triển rừng, cũng chỉ có 30% người được hỏi biết đến. Còn các văn bản pháp quy liên quan đến trách nhiệm quyền lợi hay quá trình GĐGR, phần trăm người được hỏi biết về các văn bản này chỉ khoảng 15%. Các cuộc họp cộng đồng, tập huấn, là những nguồn cung cấp thông tin chính cho người được hỏi. Chỉ có 33,81% người được hỏi nói là họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó ở địa phương. Về mức độ tham gia vào quá trình giao rừng, chủ yếu người dân được tham gia ở mức được phổ biến thông tin, với 49%. Tỉ lệ người tham gia trong lập kế hoạch và đo đạc thực địa chỉ khoảng 10% và tập trung toàn bộ ở những người được hỏi ở TT-Huế. Một phát hiện nữa là người được hỏi ở TT-Huế có mức hiểu biết về các văn bản pháp luật liên quan cao hơn và cũng tham gia sâu hơn vào quá trình GĐGR ở địa phương dù tỉ lệ người được hỏi là người dân tộc thiểu số chênh không nhiều so với ở Quảng Nam.

·      Mặc dù cùng là địa bàn dân tộc nhưng có sự khác biệt khó rõ về nhận thức của người dân, thực tế GĐGR ở hai vùng nghiên cứu của hai tỉnh. So với Quảng Nam, địa bàn TT-Huế có công tác GĐGR triển khai tốt hơn vì đã triển khai trong một thời gian tương đối lâu và có nhiều chương trình dự án hỗ trợ hơn.

 

Trong báo cáo này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số đề xuất cụ thể dựa trên các kết quả nghiên cứu này cũng như kinh nghiệm làm việc của C&E tại vùng nghiên cứu.

 

Một số hình ảnh của 2 đợt điều tra khảo sát và hội thảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *