Cuộc thi “Cải thiện và bảo vệ nguồn nước” năm nay tại Stockholm-Thụy Điển

SJWP năm nay là lần thứ 13. Cuộc thi đầu tiên là vào năm 1997. Việt Nam tham gia từ năm 2004, đến năm nay là năm thứ 6. SJWP là cuộc thi quốc tế do sáng tạo của Thụy Điển và được công chúa kế vị Victoria bảo trợ, nhằm liên kết các nhà khoa học trẻ tuổi trên toàn thế giới để tìm kiếm các giải pháp về vấn đề nguồn nước vốn có ý nghĩa liên kết nhân loại với các vấn đề sức khỏe và phát triển bền vững. Các em học sinh được SJWP coi là những nhà lãnh đạo tương lai của thế giới vì thế cần thể hiện sự quan tâm chuyên nghiệp đến vấn đề nước.Thời gian thi cũng là thời gian diễn ra Hội thảo Quốc tế “Tuần lễ nước Toàn cầu tai Stockholm” (Word Water Week in Stockholm- WWW) tại cùng địa điểm (Trung tâm Hội chợ Quốc tế Stockholm). Cuộc thi SJWP là một nội dung kèm theo của WWW, do đó các học sinh dự thi có thể gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo về nguồn nước toàn cầu tham gia WWW.

 

Với 13 lần tổ chức, SJWP thu hút hàng chục ngàn học sinh trên toàn thế giới tham gia. Lần thi năm nay thu hút gần 8000 học sinh ở lứa tuổi từ 15 đến 20 thuộc 30 nước- có 29 nước đã đến dự thi tại Stockholm. Các nhóm dự thi đều đã qua vòng tuyển chọn tại các nước đăng ký tham gia. Cuộc thi kéo dài 6 ngày từ 15 đến 20/8/2009.

  

Cuộc thi năm nay, theo ý kiến của Bà Bộ Trưởng Môi trường Thụy Điển phát biểu tại buổi khai mạc cuộc thi là: (i) Các giải pháp cải thiện chất lượng và sử dụng hợp lý nguồn nước, (ii) Nguồn nước với Biến dổi khí hậu toàn cầu, và (iii) Gắn kết vấn đề nước với việc nâng cao vị thế bình đẳng giới của phụ nữ và trẻ em gái.Mức độ tương thích của các bài dự thi với các tiêu chí này được đánh giá rất cao. Các tiêu chí cho thấy Ban Tổ chức quan tâm nhiều đến chất lượng khoa học, đến các giải pháp công nghệ và đến vấn đề bình đẳng giới trong các báo cáo dự thi. Bình đẳng giới là vấn đề Thụy Điển rất quan tâm vì có lẽ Thụy Điển là Quốc gia hàng đầu thế giới vê vấn đề này.

  

Năm nay 1 giải A (giải nhất) thuộc về 1 nữ học sinh Thổ Nhĩ Kỳ-em Ceren Burcak Dag với đề tài: “ Một giải pháp năng lượng thân môi trường-An envirronmentally-friendly energy alternative”. Trong đề tài này, tác giả giải quyết vấn đề thu năng lượng từ mưa qua tính toán lý thuyết các tham số như đường kính giọt mưa, tốc độ va đập và độ cao mưa rơi. Theo tính toán và mô hình lý thuyết của tác giả đưa ra, năng lượng do mưa là một nguồn năng lượng sạch thứ ba ngoài năng lượng gió và mặt trời, có thể khai thác và sử dụng.

 

Hai giải khuyến khích (nhóm B) còn lại thuộc về 2 em nữ sinh khác là:

–          Em Mary Yiyue Zhao  Canada  với đề tài “Một phương pháp tạo mưa mới bằng cách sử dụng protein tạo nhân tế bào vi khuẩn Pseudomonas syringae” để thay thế cho Iod bạc nhằm tránh tác động tiêu cực đến môi trường và tạo mưa giá rẻ cho các vùng khô hạn.

–          Em Emily Elhacham Israel với đề tài: “Chế tạo các sensor hóa học để thám sát ô nhiễm nước bằng mạng hạt nano kim loại” với mục tiêu chính là giám sát nhanh và rẻ ô nhiễm chất hữu cơ trong nước bằng các nanosensor.

 

     Sự tham gia  của nhóm học sinh Việt nam

 

Nhóm học sinh Việt nam dự thi năm nay gồm 3 nữ sinh lớp 11 chuyên sinh trường Trung học Phổ thông chuyên Thái Nguyên là Trần Thị Trà Giang, Đặng Thị Hoàng Hà và Bùi Kim Ngân. Đề tài của nhóm học sinh Việt nam tập trung về các giải pháp giáo dục và truyền thông bảo vệ nguồn nước cho học sinh từ cấp Mầm non đến phổ thông trung học. Nhóm tác giả đã dày công tổ chức các chương trình ngoại khóa, làm các videoclip và xây dựng trang WEB để quảng bá về các nội dung trên.Tất cả các thành viên ban giám khảo sau khi phỏng vấn đều đánh giá tốt nội dung thi của đoàn Việt Nam nhưng do đề tài không đáp ứng cả 3 tiêu chí của cuộc thi (nói cách khác là lạc đề) nên không đoạt giải.

 

 

Nhóm học sinh Việt nam nhận chứng chỉ cuộc thi

Tuy nhiên nhóm học sinh Việt Nam lại thu hút không chỉ Ban giám khảo cuộc thi mà cả thí sinh đến từ các nước khác bằng sự duyên dáng đầy nữ tính khi trình bày bài thi, bằng tà áo dài thướt tha, bằng tiết mục “Hát múa Trống cơm” với bộ áo tứ thân trong buổi giao lưu văn hóa giữa thí sinh các nước, bằng sự hồn nhiên thân thiện trong ứng xử. Có lẽ nhóm học sinh Việt nam là nhóm được đề nghị chụp ảnh chung nhiều nhất.Thậm chí đến lúc chia tay ra sân bay về nước, nhiều học sinh các nước đã đến tiễn, chuyển giúp vali cho các bạn Việt nam, có người còn rơm rớm nước mắt. Bao nhiêu lời tạm biệt chân tình “Good Bye”, “See you again”, bao nhiêu cái xiết tay trìu mến dường như vẫn không đủ. Không thành công trong bài thi nhưng các nữ sinh Việt nam đã thành công trong việc quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt nam.

Trích bài của ông Nguyễn Đình Hòe-Phụ trách đoàn học sinh Việt nam tại SJWP- website Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt nam-VACNE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *